Nhiều cơ sở y tế vượt chi
Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2019, thành phố được Chính phủ giao dự toán 18.190 tỷ đồng để chi cho hoạt động KCB BHYT, trong đó dành 4% cho phát triển đối tượng, còn lại phân bổ về cho các bệnh viện. Tuy nhiên, thống kê của cơ quan BHXH cho thấy, 6 tháng đầu năm chi phí KCB tại thành phố tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2018. Ví dụ như Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi vượt 26%, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí là bệnh viện tư vượt cao nhất, được giao dự toán 13 tỷ đồng cho cả năm, nhưng mới 6 tháng đầu năm nay đã đề nghị thanh toán 17 tỷ đồng…
Theo BHXH tỉnh Quảng Bình, trong nửa đầu năm nay, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã chi hết 55,42% kinh phí so với dự toán chi được giao. Trong đó, hầu hết các đơn vị đều chi vượt quá 50% kế hoạch (trừ Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh). Tại Thái Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2019, BHXH tỉnh đã đảm bảo cho gần 892.000 lượt người KCB BHYT với tổng chi phí trên 542,19 tỷ đồng. Kết quả giám định cho thấy, có tới 24/32 cơ sở KCB trên địa bàn đã sử dụng trên 50% nguồn kinh phí được giao, trong đó có một số đơn vị sử dụng tới trên 60% nguồn quỹ cả năm…
Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân gây gia tăng chi phí KCB và vượt quỹ BHYT là do thực tế mức đóng BHYT còn thấp (bình quân mệnh giá BHYT của Việt Nam là 40 USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực) nhưng chi phí KCB cho những đối tượng bệnh nặng hiểm nghèo rất cao. Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân gây gia tăng chi phí KCB (thay đổi giá dịch vụ y tế, áp dụng kỹ thuật mới, tỷ lệ người mắc bệnh nặng, chi phí cao so với dự kiến…) trong khi mức đóng BHYT còn thấp dẫn đến tình trạng vượt trần, vượt quỹ BHYT là tất yếu.
Đáng chú ý, vẫn diễn ra tình trạng chỉ định các dịch vụ kĩ thuật quá mức cần thiết; chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú đối với những bệnh có thể điều trị ngoại trú… Đơn cử như tại Quảng Bình, nguyên nhân dẫn tới gia tăng chi phí KCB BHYT được xác định là do tỷ lệ bệnh nhân đến khám được chỉ định vào điều trị nội trú cao. Ngày điều trị bình quân trên 1 lần điều trị nội trú là 6,74 ngày - cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc là 1,44 ngày - còn dẫn tới làm tăng chi phí ngày giường bệnh. Tại Thái Nguyên, nguyên nhân là do vẫn còn một số cơ sở KCB chỉ định các dịch vụ kỹ thuật rộng rãi, không phù hợp với tình trạng bệnh, nhất là các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú với nhiều trường hợp bệnh nhẹ không cần thiết (như điều trị tủy răng, viêm họng...)…
Nỗ lực kiểm soát, quản lý quỹ KCB BHYT
Trước tình trạng vượt chi xảy ra ở hầu hết các cơ sở y tế, BHXH các tỉnh đang nỗ lực phối hợp với các sở y tế tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh. Để tăng cường hiệu quả quản lý quỹ, BHXH tỉnh Yên Bái đã bổ sung thêm 3 cán bộ cho phòng giám định BHYT thực hiện kiểm tra thẻ BHYT, đối chiếu bệnh nhân với ảnh trên giấy tờ tùy thân và đóng dấu “Đã kiểm tra thủ tục hành chính (TTHC)” đối với bệnh nhân KCB ngoại trú, điều trị nội trú. Việc thực hiện đóng dấu “Đã kiểm tra TTHC” được thực hiện từ ngày 1/7/2019. Theo đó, tất cả các bảng kê chi phí khám bệnh đối với bệnh nhân KCB ngoại trú; bệnh án điều trị của bệnh nhân BHYT không được cán bộ giám định đóng dấu “Đã kiểm tra TTHC” sẽ không được cơ quan BHXH chấp nhận thanh toán. Nhờ vậy, trong quá trình giám định hồ sơ KCB BHYT đã phát hiện nhiều chi phí bất hợp lý và đã từ chối thanh toán 3,115 tỷ đồng.
Để kiểm soát chặt chẽ quỹ KCB BHYT, bên cạnh đưa ra một số cảnh báo cho các cơ sở KCB, ông Ngô Chí Dũng - Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên cho biết, BHXH tỉnh đã đề nghị các cơ sở KCB cần tiếp tục duy trì kết nối liên thông dữ liệu KCB BHYT, đẩy dữ liệu hàng ngày kịp thời lên cổng tiếp nhận, thực hiện giám định và quyết toán chi phí KCB BHYT qua Hệ thống thông tin giám định BHYT. Các cơ sở KCB phải cùng cơ quan BHXH kiểm soát chi phí định kỳ 10 ngày một lần, kịp thời phát hiện các nguyên nhân chủ quan gây gia tăng chi phí để kịp thời điều chỉnh; tăng cường công tác quản lý KCB tại tuyến xã, đảm bảo cung ứng thuốc phù hợp với yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế đảm bảo số lượng và chủng loại sát với thực tế nhằm sử dụng hiệu quả, hợp lý, cân đối nguồn kinh phí KCB BHYT được giao.
Từ góc độ cơ quan xây dựng chính sách, tại tọa đàm “Về thực trạng quản lý, sử dụng quỹ BHYT và kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13” mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý, sử dụng, cân đối quỹ BHYT. Theo Bộ Y tế, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn quy phạm pháp luật về KCB và BHYT, đảm bảo ổn định và tăng nguồn thu quỹ BHYT theo quy định. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, kiểm soát sử dụng dịch vụ, giảm chi phí tiền thuốc - vật tư. Thêm vào đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT, trọng tâm là nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, hợp lý, đúng pháp luật. Hơn nữa, cần rà soát lại việc giao tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương, không giao đồng loạt cho các đơn vị sự nghiệp y tế theo loại tự bảo đảm chi thường xuyên. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Hà My