(CMO) Giảm bớt gánh nặng chi phí trong quá trình khám và điều trị bệnh, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được xem như chiếc phao trong lúc khó khăn.
Mặc dù người bệnh có thẻ BHYT còn gặp một số khó khăn, phiền hà khi khám chữa bệnh, nhưng thực tế khẳng định BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp khi chẳng may ốm đau, bệnh tật.
Phao cứu sinh
“Nếu không có BHYT, chắc gia đình tôi đã bán cả nhà cửa, đất đai để trị bệnh cho bà ấy”, ông Phạm Việt Hùng (ấp Hàng Còng, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) nói. Ông Hùng cho biết, cách đây 2 tháng, vợ ông là bà Phương Cẩm Hồng (63 tuổi) bị nhức bẹn chân không thể đứng được nên gia đình rất lo lắng. “Chi phí chữa trị, thuốc men rất lớn, nếu không có BHYT mỗi tuần chúng tôi phải đóng đến 3 triệu đồng, nhờ có BHYT chúng tôi được bảo hiểm chi hơn 80%. Nói thật, nếu không có tấm thẻ BHYT, giờ này không biết gia đình tôi sẽ sống ra sao", ông Hùng cho biết thêm. Được biết, bà Hồng tham gia BHYT đã nhiều năm nay, dẫu cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng cả gia đình bà đã dành dụm để liên tục tham gia BHYT.
Cũng nhờ tham gia BHYT mà gia đình bà Nguyễn Thị Nam, ở Khóm 3, thị trấn Cái Nước đỡ gánh nặng chi phí điều trị bệnh. Bà Nam bị bệnh nhồi máu cơ tim, kèm theo căn bệnh tiểu đường lâu năm nhưng chỉ mua thuốc uống cầm chừng chứ không điều trị. Cách đây vài tháng, bà thường xuyên bị mệt, gia đình đưa bà đến bệnh viện, tổng chi phí điều trị hơn 150 triệu đồng. Bà Nam chia sẻ: “Nhờ tham gia BHYT, tôi chỉ chi trả vài chục triệu đồng, còn lại bảo hiểm xã hội thanh toán. Nếu không có BHYT, không biết phải xoay xở làm sao”.
Hiện nay, đa phần người dân đều sử dụng BHYT để giảm bớt chi phí khi có rủi ro xảy ra. (Ảnh chụp tại quầy thuốc BHYT Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau). |
Đó là những trường hợp trong rất nhiều trường hợp có thẻ BHYT khi điều trị bệnh được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán số tiền vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chiếc thẻ BHYT mua chỉ 621.000 đồng nhưng giá trị của nó lớn hơn gấp hàng trăm lần mệnh giá bỏ ra. Tham gia BHYT sẽ giúp người dân khi bệnh tật không phải quá chật vật lo chi phí điều trị, nhất là với những bệnh nhân mắc bệnh nan y, bệnh mãn tính phải điều trị dài ngày với chi phí cao, thì BHYT quả là chiếc phao cứu sinh của họ.
Đồng cảm khó khăn
Bên cạnh đó, BHYT còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Chị Nguyễn Thị Ngọc Báo (Khóm 1, Phường 2, TP Cà Mau) cho biết: “Trước đó, tôi cứ nghĩ vợ chồng còn trẻ, còn khoẻ nên chưa cần tới BHYT. Song, với giá viện phí tăng cao như hiện nay, nếu chẳng may mắc bệnh mà không có thẻ BHYT chắc sẽ phải tốn kém lắm. Vì vậy, khi được mọi người tuyên truyền, vận động tôi hiểu rằng, tham gia BHYT không chỉ chăm sóc sức khoẻ bản thân mình, mà còn chia sẻ với cộng đồng xã hội, nên đồng ý tham gia”.
Bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Duyên, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Nước, cho biết: “Tuy BHYT có nhiều lợi ích nhưng đến nay vẫn có không ít người chưa hiểu hết quyền lợi khi tham gia BHYT. Chỉ tới khi lâm vào tình cảnh bệnh tật, tai nạn, nhất là bệnh nặng, chi phí vượt ngoài khả năng chi trả thì họ mới thấy hết giá trị của chiếc thẻ BHYT. Chính vì vậy, thời gian tới, ngoài việc phối hợp với ngành y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT, góp phần chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng tốt hơn, hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân tại địa phương”./.
Mỹ Việt