Tang vật đường cát nhập lậu do lực lượng liên ngành chống buôn lậu An Giang bắt giữ |
Đường lậu tăng 50%
Lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang vừa phối hợp với Công an thị xã Tân Châu phát hiện 2 xe ô tô tải vận chuyển số lượng lớn đường cát nhập khẩu vi phạm quy định về nhãn hàng hóa tại khu vực ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu.
2 xe ô tô tải mang biển kiểm soát 67C-047.44 do tài xế Trần Công Mão, sinh năm 1988 điều khiển chở theo 6 tấn đường cát và xe ô tô tải biển kiểm soát 66C-116.40 do tài xế Hà Văn Phường, sinh năm 1991 điều khiển chở theo 8,5 tấn đường cát. Các bao đường được đóng gói 50kg/bao, trên bao bì đều có nhãn hiệu hình cây mía, xuất xứ Campuchia. Tại thời điểm kiểm tra, hàng hoá không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt dán trên bao bì theo quy định. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện để xử lý theo quy định.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2020, kiểm tra hai cơ sở chế biến đường thuộc khu vực ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, lực lượng liên ngành chống buôn lậu An Giang phát hiện hàng chục tấn đường ngoại vi phạm về ghi nhãn hàng hoá. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh AA, và doanh nghiệp tư nhân Hoà Phát Tân Châu, tổ công tác phát hiện hai phương tiện vận tải mang biển số nước ngoài đang xuống hàng trăm bao đường cát. Trong đó, chiếc ô tô tải tại cơ sở AA vận chuyển 910 bao đường cát, mỗi bao 50kg; phương tiện vận chuyển tại Công ty Hoà Phát Tân Châu vận chuyển 540 bao đường cát, đều có nhãn hiệu cây mía, xuất xứ Campuchia.
Thời điểm kiểm tra, trên phương tiện còn lại 200 bao, số còn lại chủ cơ sở đã đổ vào hầm chứa làm nguyên liệu sản xuất đường phèn (340 bao). Tổ công tác phát hiện hàng hoá không có nhãn phụ dán trên bao bì theo quy định, phương tiện vận chuyển, sang hàng hóa sai quy định.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 An Giang, trong thời gian qua, các đối tượng không còn tập trung hoạt động mạnh ở địa bàn An Phú, mà chuyển sang hoạt động ở các địa bàn lân cận khác như Tân Châu, Châu Đốc. Bên cạnh đó, đường cát nhập lậu cũng không còn tập kết số lượng lớn tại các kho hàng cặp đường biên, mà nhanh chóng được đưa vào nội địa hoặc các cơ sở chế biến thành đường phèn để tẩu tán bao bì.
Từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng chống buôn lậu của An Giang đã phát hiện và bắt giữ trên 415 tấn đường cát nhập lậu, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ đoạn tinh vi
Theo ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang, để gây khó khăn cho lực lượng chức năng, quá trình hoạt động thường diễn ra vào lúc đêm khuya, sáng sớm, luôn cử người canh coi lực lượng. Đặc biệt sau khi qua được biên giới thì đường cát nhập lậu nhanh chóng được hợp thức hóa bằng các hóa đơn, chứng từ của các nhà máy đường trong nước, doanh nghiệp sang chiết, đóng gói, xóa bỏ nhãn mác trên bao bì, trộn lẫn đường nhập lậu với đường nội địa… do đó rất khó kiểm tra, truy xuất nguồn gốc để xử lý.
Theo Cục Hải quan An Giang, gần đây là mặt hàng đường cát nhập lậu với phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn. Ngoài việc vận chuyển đường nhập lậu qua biên giới vào nội địa bằng xe gắn máy, sử dụng đường cát nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam đưa vào các cơ sở chế biến đường phèn nằm ngay sát đường biên giới để nấu thành đường phèn rồi đóng thành bánh, hộp có khối lượng vài chục ký, các đối tượng còn dùng chứng từ hóa giá hoặc hóa đơn của các công ty mía đường trong nước để đối phó, khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra thì các đối tượng còn sử dụng hồ sơ đường nhập khẩu để hợp thức hóa đường lậu.
Từ thực tế trên, các lực lượng chống buôn lậu An Giang kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý hiệu quả hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hồ sơ bán đấu giá hàng hóa tịch thu. Trong đó có mặt hàng đường nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng các loại hóa đơn chứng từ này để quay vòng, hợp thức hóa đường cát nhập lậu.
Từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng chống buôn lậu của An Giang đã phát hiện và bắt giữ trên 415 tấn đường cát nhập lậu, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. |