Đằng sau những lời rao hàng ngọt lịm,ưusinhtheohộichợcược bóng đá uy tín thu hút, lời mời chào đon đả, cùng vô vàn hàng hóa màu sắc bắt mắt của các gian hàng hội chợ là những câu chuyện về cuộc sống của những người tháng ngày mưu sinh theo hội chợ.
Chị Lê Thị Lệ Thi (phải) đang giới thiệu quần áo cho khách.
“Áo jean vừa rẻ, vừa đẹp với giá chỉ 55.000 đồng một cái đây, khỏi may, khỏi cắt, khỏi mất tiền công, nhanh tay lượm lựa, quẹo lựa, quẹo lựa đi bà con ơi…”. Đó là một trong hàng trăm những lời rao hàng hết sức thú vị của những người bán hàng trong hội chợ. Anh Nguyễn Tăng Việt, quê ở Đà Nẵng, “chủ nhân” của lời rao hàng “độc” này, bộc bạch: “Rao hàng như vậy mới thu hút được khách, nhiều gian hàng cùng bán giống nhau, mà mình cứ im re, thì chắc… ế mang hàng về xài thôi. Mình theo bán ở các hội chợ tính ra cũng được 5 năm rồi. Nghề dạy nghề, đi nhiều cũng học hỏi được mấy “chiêu” thu hút khách hàng. Thấy cười luôn miệng vậy chứ cực và lo lắm, ăn uống, nghỉ ngơi sinh hoạt chủ yếu chỉ ở lô hàng của mình bán thôi, cũng hơi bị tù túng đấy”.
Không chọn thu hút khách hàng bằng cách rao không kịp thở như những người trẻ tuổi, chú Thân Thanh Khải, 62 tuổi, quê ở huyện Long Mỹ, buôn bán dây nịt, bóp da các loại tại Hội chợ Công thương đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 vừa qua, đã chọn cách giới thiệu trực tiếp mặc hàng của mình khi có khách đến. Chú Khải chia sẻ: “Mỗi lần có hội chợ là ban tổ chức sẽ gọi điện hoặc gửi thư mời báo cho mình biết, có tham gia sẽ đăng ký bắt lô. Đi bán kiểu này, cực nhất là khai mạc và bế mạc hội chợ, vì phải dọn đồ ra, rồi chất đồ vào. Vợ chồng tôi theo buôn bán ở hội chợ tính đến nay đã hơn 10 năm rồi vui, buồn gì cũng trải qua hết!”.
Dù công việc không nhàn nhã, dù phải xa nhà, nhưng những người đi bán hội chợ cũng có những niềm vui riêng của họ, đó là nuôi được con cái tiếp tục đến trường. Chị Lê Thị Lệ Thi, quê ở tỉnh Sóc Trăng, chuyên bán quần áo may sẵn tại hội chợ, tâm sự: “Tuy phải lênh đênh khắp nơi, nhưng được cái thu nhập cao hơn bán cố định một chỗ. Lúc trước ở quê, vợ chồng tôi cũng thuê mặt bằng để bán quần áo, nhưng không đủ chi phí lo cho ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, nên vợ chồng tôi quyết định đăng ký bán theo hội chợ, đến nay cũng được 5 năm rồi. Hai vợ chồng đi có khi vài tháng mới về thăm nhà một lần. Mấy đứa con phải gửi bên ngoại để được đi học, nghỉ hè tôi mới về rước đứa con gái út theo chơi”.
Cười vui riết rồi quen, đon đả, nhiệt tình riết cũng trở thành nếp sống hàng ngày. Bởi vậy, mà có ai hỏi cuộc sống riêng, họ không giấu giếm, mà thoải mái sẻ chia. Gửi con từ khi mới tròn 5 tháng tuổi, để theo bán ở các hội chợ, chị Hồ Thị Ngọc Trang, quê ở tỉnh An Giang, tâm sự: “Gian hàng của tôi chủ yếu bán đồ chơi trẻ em và trang sức các loại. Vợ chồng tôi có tới bốn đứa con, vì miếng cơm nên thời gian bên con đâu có nhiều. Lúc mấy đứa nó còn nhỏ xíu, tôi đã phải gửi ở nhà để đi bán, rồi lâu lâu mới về thăm một lần. Có nơi đông khách bán không kịp thở, có chỗ hội chợ cũng ế ẩm”.
Không “đơn thương, độc mã” đi bán hội chợ, ông Nguyễn Thanh Sang, chủ trại cây giống Thanh Sang, ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, đi cả gia đình. Cuộc sống gia đình ông cũng gắn liền với hội chợ 13 năm nay. Vì đi cả nhà, nên mọi người cùng sẻ chia công việc với nhau. Ông Sang nói: “Gia đình tôi chủ yếu buôn bán cây giống các loại, như mít, cam, bưởi, mận... Mỗi hội chợ có thời gian bán từ 7-10 ngày, hàng của tôi buôn bán được lắm, chắc tại xứ mình nông nghiệp mà. Nếu bán tại nhà hôm nào đắt lắm được khoảng vài trăm ngàn, hên thì được 1 triệu đồng, còn bán ở đây ngày nào đắt cũng được vài triệu đồng lận”.
Cũng có những gian hàng không có tiếng rao, nhưng lại tỏa mùi thơm nức, nên thực khách cũng tấp nập. Anh Hồ Văn Tùng, quê ở thành phố Cần Thơ, vui vẻ nói: “Gian hàng của tôi bán chả cá, xúc xích, bò viên, bánh tráng nướng, xoài lắc… cả gia đình tôi sáu người hầu như đều theo bán hàng ăn này. Lúc trước, mấy đứa con tôi còn nhỏ thì phải gửi ở nhà ông bà, giờ tụi nhỏ cũng lớn hết rồi, nên khi nào mấy đứa không học, tôi cho theo phụ bán luôn”.
Ở những nơi tiếng rao, tiếng nhạc lớn hơn những lời tâm sự, sẻ chia, vậy mà cũng có những tình yêu đã chớm nở. Để rồi họ lại cùng dắt tay nhau mưu sinh theo dòng hội chợ, rày đây mai đó, như trường hợp của chị Lê Thị Thúy Hạnh, ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Chị và chồng nên duyên cũng từ những lần đi bán chung hội chợ. “Ổng hồi đó bán hàng “la”, đủ thứ chén, dĩa, mâm, bàn; còn tôi bán xà bông, nước xả, tôi ghét đàn ông miệng mồm lắm, vậy mà thương hồi nào không hay, giờ có hai đứa con rồi”. Nhưng cũng có người cũng mỏi gối, chùn chân khi đã vài năm mải miết theo hội chợ. Ông Lê Văn Bính, ở thành phố Tân An, tỉnh Long An, bảo rằng đi vài hội chợ nữa thôi rồi về nhà sống với vợ con. Trầm ngâm nhìn khách qua lại, ông Bính nói: “Tôi cũng đi bán hội chợ được 2-3 năm nay rồi, ban đầu đi đây đi đó cũng vui, nhưng đi riết thấy cũng mệt, cuộc sống nhiều khi thấy xô bồ quá. Chắc đi vài lần rồi nghỉ”…
Hàng trăm gian hàng, là hàng trăm câu chuyện riêng về cuộc sống mưu sinh. Khi hội chợ kết thúc, rồi có người cũng dừng lại, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục với những chuyến đi và những tiếng rao vẫn giòn giã, những lời mời vẫn sẽ ngọt ngào, những nụ cười vẫn rất tươi giữa bộn bề cuộc sống…
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN