Hiện nay,đồngbằngsngCửuLongPhấnkhởivụlaĐsoi keo bulgaria nông dân nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa Đông xuân 2017-2018 với niềm vui trúng mùa, được giá. Từ bước đà này, ngành chức năng và bà con nông dân cùng nhận định, vụ lúa năm nay sẽ đạt thắng lợi về mọi mặt.
Cùng với ĐBSCL, hiện nông dân Hậu Giang cũng thu hoạch rộ lúa Đông xuân với niềm vui trúng mùa, được giá.
Năng suất tăng
Hậu Giang là một trong những tỉnh bước vào thu hoạch vụ lúa Đông xuân sớm nhất ở ĐBSCL (đầu tháng 3) và hiện đã cắt được hơn 25.000ha trong tổng số gần 78.000ha đã xuống giống. Cùng niềm vui như nhiều tỉnh khác khi nông dân Hậu Giang đang trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa chính trong năm được trúng mùa. Vừa cắt xong gần 1ha lúa (giống OM 5451), ông Tô Văn Hiệp, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, phấn khởi cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, sâu, bệnh ít nên cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao. Riêng ruộng của tôi đạt năng suất gần 1,2 tấn/công (1.300m2) và đây được xem là năng suất cao nhất trong nhiều năm gần đây”. Giống như ông Hiệp, ông Nguyễn Văn Hải, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Mọi năm vụ lúa Đông xuân đạt năng suất 1-1,1 tấn/công là mừng, nhưng năm nay còn trúng hơn khi đạt gần 1,2 tấn/công. Nếu vụ nào cũng như thế này thì phấn khởi lắm”.
Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, bình quân năng suất lúa Đông xuân trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đạt gần 7,7 tấn/ha (công 1.000m2), riêng nhiều địa phương như huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp và Long Mỹ có năng suất lúa khoảng 7,8 tấn/ha. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Để lúa đạt năng suất như trên, ngay từ đầu vụ xuống giống, ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đặc biệt là từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) mà bà con được tiếp cận với mô hình sản xuất lúa theo hướng tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo, như: mô hình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” được sâu rộng hơn.
Giống như Hậu Giang, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang thu hoạch lúa Đông xuân cũng đạt năng suất cao. Điển hình tại thành phố Cần Thơ, vụ lúa Đông xuân này, nông dân thành phố xuống giống được gần 84.000ha, hiện thu hoạch hơn 10.000ha, năng suất bình quân hơn 7,3 tấn/ha, tăng 0,9 tấn/ha so với cùng kỳ. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, sản xuất vụ Đông xuân tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL diễn ra trong tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất có nhiều thuận lợi, cộng với thời tiết ít có những biến động bất lợi. Bên cạnh đó, công tác triển khai sản xuất được tiến hành sớm ngay từ tháng 10-2017 theo kế hoạch của Bộ ở từng vùng sản xuất nên đạt được kết quả về năng suất đáng phấn khởi như hiện nay.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, một điểm đáng ghi nhận khác trong vụ lúa Đông xuân này và cần duy trì, phát triển trong các vụ lúa tới là hầu hết các tỉnh, thành đều triển khai kế hoạch và thực hiện giảm lượng giống lúa gieo sạ rất tốt. Nhìn chung, lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực, lượng giống gieo sạ hơn 150 kg/ha có chiều hướng giảm, xu hướng từ 120-130 kg/ha đang được triển khai nhiều. Đặc biệt là mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha đang có kết quả tốt thông qua dự án VnSAT, do đó cần tuyên truyền để nhân rộng diện tích áp dụng nhiều hơn trong thời gian tới.
Giá bán hấp dẫn
Cùng với niềm vui về năng suất, nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL cũng rất hài lòng về giá bán lúa tươi tại ruộng khi đã hoặc đang thu hoạch trong lúc này. Cụ thể, hiện thương lái mua lúa tươi tại ruộng với giống RVT dao động từ 6.800-7.000 đồng/kg, giống Đài Thơm 8 từ 6.000-6.200 đồng/kg, giống Jasmine 85 và OM 5451 từ 5.800-5.900 đồng/kg, giống IR 50404 từ 5.200-5.300 đồng/kg.
Mới bán xong 8 công ruộng (giống RVT, giá 7.000 đồng/kg) cách nay mấy ngày, ông Nguyễn Văn Út, ở ấp Long Hòa, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Năm nay bà con rất phấn khởi khi bán lúa được giá, với năng suất hơn 1 tấn/công nên tính ra vụ này cũng đạt mức lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công”. Cùng niềm vui trên, ông Phan Thành Lộc, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi và nhiều bà con nơi đây bán lúa Đông xuân với giá 5.900 đồng/kg (giống OM 5451) nên thu về nguồn lợi nhuận hấp dẫn. Do đó, sau khi thu hoạch lúa xong, bà con tranh thủ vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống lúa Hè thu với hy vọng sẽ tiếp tục có thêm mùa lúa như ý”.
Theo nhận định của Cục Trồng trọt, nguyên nhân giá lúa trong vụ này ở mức cao là do bà con sản xuất các giống lúa phù hợp với thị trường xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2018 này. Nhưng để có được tín hiệu khả quan trên thì trước khi bà con xuống giống vụ lúa Đông xuân 2017-2018, đồng thời thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt đã phối hợp với chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xây dựng kế hoạch, bố trí thời vụ xuống giống, đặc biệt là định hướng cơ cấu giống lúa theo các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL cho phù hợp với đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo theo các đơn đặt hàng của đối tác. Nhờ vậy, cơ cấu giống trong vụ Đông xuân này ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chủ yếu là OM 5451, RVT, Đài Thơm 8, Jasmine 85… Trong đó diện tích trồng giống lúa thơm, đặc sản tăng hơn 6% so với cùng kỳ, từ đó đã phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao của nhóm giống lúa này nên giá trị kinh tế cũng được nâng lên.
Bên cạnh chọn giống sản xuất đúng nhu cầu thị trường, một vấn đề khởi sắc khác làm giá lúa nguyên liệu tăng là tình hình xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm tăng khá trên nhiều mặt. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 842.000 tấn gạo, giá trị 413 triệu USD. Với tình hình thuận lợi trên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 ước đạt khoảng 6,5 triệu tấn, tăng khoảng 700.000 tấn so với năm 2017.
Từ những yếu tố thuận lợi về năng suất và thị trường như trên đã giúp cho nông dân thu hoạch lúa ở vùng ĐBSCL rất phấn khởi về nguồn lợi nhuận có được, còn ngành chức năng các địa phương thì đạt cả ba mặt về diện tích xuống giống, năng suất và sản lượng. Qua đây, góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng (GRDP) của khu vực I phát triển mạnh mẽ, đồng thời điều này tạo tâm lý phấn khởi cho ngành chức năng tiếp tục có kế hoạch để nông dân sản xuất vụ Hè thu tới được thành công...
Qua thống kê của Cục Trồng trọt, vụ lúa Đông xuân 2017-2018, toàn vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,6 triệu héc-ta, tăng 61.870ha so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 6,7 tấn/ha, tăng 0,4 tấn/ha; sản lượng ước đạt hơn 10,7 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với cùng kỳ. |
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC