Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu với tính dị thường và cực đoan ngày càng lớn, những cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung với tần suất rất cao và mức độ mưa, thời gian lưu bão ở các địa phương lớn. Do đó, câu chuyện ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và bão lụt, bảm đảm an toàn của hồ thủy điện, hồ chứa nước, hồ thuỷ lợi là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của Chính phủ với các bộ, ngành. Hiện, cả nước có hơn 400 công trình thủy điện nhỏ được đưa vào vận hành khai thác với dung tích 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước; có 401/401 các đập đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập... Trong mùa bão lũ năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các đoàn đi kiểm tra an toàn hồ, đập thủy điện. Những công trình lớn do các đoàn liên ngành đi kiểm tra, còn các hồ, đập có quy mô dung tích theo từng bộ ngành quản lý, Bộ Công Thương cũng phối hợp các địa phương để tổ chức các đoàn kiểm tra. “Qua thực tế, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Trước một số thông tin nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương, “tư lệnh” ngành Công Thương khẳng định là chưa chính xác. Thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28/10, lượng nước về hồ tới 17.000 m3/giây. Tuy nhiên, chính nhờ dung tích của Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%, nếu không đỉnh lũ về ngày 28/10 sẽ gây ngập trắng toàn vùng hạ lưu. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải khẳng định, tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt. “Chính phủ đã có chỉ đạo và tiếp tục nghiên cứu báo cáo đánh giá kỹ. Chúng tôi cũng có báo cáo trước mắt về an toàn đập thủy điện, vận hành đập thủy điện và các vấn đề thủy điện trong bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Riêng về câu chuyện phát triển thủy điện nhỏ, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) cho rằng cần có đánh giá lại một cách khách quan. Vấn đề đặt ra là phát triển thủy điện nhỏ phải gắn liền với tái tạo và bảo vệ rừng như thế nào? Hiện phát triển thủy điện nhỏ giao cho địa phương quản lý, nhiều địa phương làm công tác quản lý chưa tốt dẫn tới một số thủy điện nhỏ đi vào hoạt động chưa đảm bảo trồng rừng hay công tác bồi hoàn quá trình thi công. Điều này cử tri bức xúc và đã có phản ánh. "Các hồ thủy điện nhỏ trong quá trình xả lũ phải có trao đổi thông tin với vùng hạ du, phối hợp với chính quyền địa phương. Trên thực tế, ở một số nơi như thủy điện Hố Hô xả lũ mà thông tin không đầy đủ đến người dân đã gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, theo tôi quy trình vận hành thủy điện cần chặt chẽ hơn nữa", đại biểu Bùi Đặng Dũng nói. Vị đại biểu Kiên Giang cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương cần rà soát lại tổng thể tất cả thủy điện nhỏ hiện nay, kể cả thủy điện trước đây chúng ta đã dừng lại để công khai minh bạch, để tất cả người dân ở các địa phương đều được biết ở tỉnh mình có bao nhiêu công trình thủy điện nhỏ và những công trình thủy điện này đang hoạt động như thế nào, ở địa điểm nào... Từ chỗ nắm rõ thông tin người dân mới có thể tiến hành giám sát. Xung quanh câu chuyện phát triển thủy điện nhỏ, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt ra câu hỏi, có hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa, vị trí chủ yếu trong rừng sâu, giả sử sau vài chục năm hết hiệu quả kinh tế thì ai là người quản lý, liệu có phải là quả bom nổ chậm trong rừng sâu hay không? Vấn đề môi trường như thế nào? “Tôi nghĩ đến bây giờ chúng ta phải nghĩ đến câu chuyện 50 năm nữa rồi, nếu không chúng ta sẽ để lại di sản đầy nguy hại và rủi ro cho con cháu. Đây là trách nhiệm lớn”, đại biểu Dương Trung Quốc nói. |