发布时间:2025-01-12 17:54:45 来源:Empire777 作者:Cúp C2
Ông nói: "Tôi đang tham vọng thực hiện một số dự án du lịch phục vụ cộng đồng và ngành du lịch. Năm 2015, dự báo ngành du lịch sẽ khởi sắc, nhất là khi Việt Nam chính thức bước vào sân chơi ASEAN, nhưng để du lịch Việt thật sự hấp dẫn và nắm bắt cơ hội thì chúng ta còn rất nhiều điều cần làm, cần đổi mới, các doanh nghiệp (DN) lữ hành cần hợp sức để tạo sức mạnh chung cho thương hiệu du lịch Việt Nam".
Vậy TST đang có kế hoạch đổi mới thế nào để chuẩn bị vào sân chơi hội nhập, thưa ông?
Đối với các DN làm du lịch, lợi thế của hội nhập sẽ mang lại cơ hội được tiếp thị, quảng bá trực tiếp, cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài, có nhiều điều kiện để khai thác nguồn khách trực tiếp từ các nước đến Việt Nam.
Tuy nhiên, khi đã mở cửa thì không chỉ DN trong nước vươn ra nước ngoài mà cả một số thương hiệu lớn của nước ngoài cũng sẽ vào Việt Nam, vì vậy, chắc chắn chúng ta phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.
Thông thường, khi nói đến cạnh tranh chúng ta hay nghĩ đối thủ là các DN trong nước ở xung quanh mình, nhưng quan điểm của tôi là làm sao mình đủ lực, đủ trí để đưa DN phát triển, tạo sức mạnh chung. Muốn vậy, phải quan sát, học hỏi những DN cùng ngành để rút kinh nghiệm và tìm hướng đi riêng, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, của nền kinh tế.
Hiện nay, hạn chế đáng quan tâm vẫn là nguồn nhân lực, chúng ta có nguồn nhân lực trẻ, năng động nhưng chưa đồng đều, kỹ năng ứng xử, kinh nghiệm, chuyên môn, tư duy sáng tạo và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ chưa đạt chuẩn...
Do vậy, năm 2015, song song với việc ra sản phẩm mới, đẩy mạnh kinh doanh, chất lượng dịch vụ, chúng tôi tập trung vào đào tạo, tái cấu trúc nguồn nhân lực, làm cho nhân viên hiểu được hội nhập là thế nào, cần có nền tảng, kỹ năng ra sao để không non kém về nghiệp vụ và đủ tự tin khi làm việc với đối tác. Hơn thế nữa, họ phải hiểu vị trí của mình trong công việc và vị trí đó tương xứng với mô hình hội nhập ASEAN ra sao.
Thực tế, đào tạo nhân lực là vấn đề không mới ở nhiều DN và không ít DN vẫn "than" không như kỳ vọng. Vậy quan điểm của ông về đào tạo và định hướng nguồn nhân lực có gì khác biệt so với các DN khác?
Cái khó nhất của ngành chúng tôi là làm dịch vụ, nói nôm na là "làm dâu trăm họ”. Đối tượng khách hàng phong phú, đa dạng và đội ngũ nhân viên cũng đa số là người trẻ, vì vậy, để phục vụ tốt khách hàng thì việc đào tạo là rất cần thiết.
Năm năm đồng hành với Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng, tôi có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng và khát vọng của các bạn trẻ.
Tôi nhận ra: Muốn có đội ngũ mạnh thì người lãnh đạo phải giúp các cộng sự của mình phát hiện ra năng lực bản thân, giúp họ xác định hướng đi đúng và thấy được tầm quan trọng của họ ở vị trí họ đảm nhận, từ đó họ sẽ phát huy tối đa trách nhiệm, phấn đấu và trưởng thành. Tránh chỉ khai thác và tận dụng những gì họ có sẵn hay vay mượn từ môi trường khác mang đến, điều đó sẽ làm giảm tư duy sáng tạo trong chính nguồn nhân lực của mình.
Tôi cũng thường nói với cấp quản lý, khi tuyển dụng hay tiếp nhận một nhân sự mới, đừng tìm hiểu quá kỹ họ sẽ mang gì về cho chúng ta, mà hãy xem họ đang mong muốn điều gì ở Công ty và có đi chung con đường với mình lâu dài không.
Ngoài việc đào tạo chuyên môn, khám phá năng lực tiềm ẩn trong từng nhân sự, chúng tôi còn chú trọng các bài giảng về ý thức đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh, trong ứng xử để họ không chỉ hoàn hảo về nghiệp vụ mà còn là người có tâm với công việc, với khách hàng.
Thế nên, trong giai đoạn tái cấu trúc và định hướng lại nguồn nhân lực, có thể chúng tôi sẽ mất đi một vài bông hoa, nhưng lại tạo điều kiện cho nhiều bông hoa khác khoe sắc, tỏa hương. Tôi không chắc những thay đổi này sẽ mang lại khác biệt, nhưng ít nhất đã giúp chúng tôi phát hiện được nhiều nhân tố mới trong đội ngũ nhân sự cũng như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực từ nội bộ.
Rất nhiều DN rơi vào tình trạng mất tiền đào tạo nhưng sau đó nhân viên... nhảy việc, ông có phải đối mặt với vấn đề này và nếu có, ông có suy nghĩ kiểu: "Không mợ chợ cũng đông"?
Xác định đào tạo là nhu cầu không thể thiếu, đặc biệt trong giai đoạn mở rộng và phát triển của thị trường, nên tôi không sợ mất nhân sự sau khi đào tạo mà ngược lại liên tục đầu tư chi phí cho việc này. Ngoài đào tạo tại chỗ còn có những chương trình đào tạo mở rộng, sinh hoạt ngoại khóa, tham gia các hoạt động chung của ngành...
Nhiều người cho rằng, điều cần nhất của người lãnh đạo là phải có trái tim cứng và cái đầu lạnh nhưng tôi không nghĩ vậy, dù ở cương vị nào chúng ta cũng là con người, mà đã là con người thì phải có cảm xúc, nhất là khi những cộng sự đó đã có thời gian gắn bó với công ty.
Có những cộng sự ra đi sẽ tốt hơn cho cả hai bên, nhưng cũng có trường hợp khiến mình cảm thấy tiếc nuối. Theo tôi, ra đi không có nghĩa là chấm hết, mà quan trọng là cách họ ra đi như thế nào. Cũng có nhiều cộng sự ra đi nhưng vẫn giữ quan hệ tốt với công ty và đồng nghiệp cũ, thi thoảng vẫn về thăm và biết đâu có lúc nào đó họ sẽ quay về.
Vậy có nhiều trường hợp nhân viên ra đi rồi quay về chưa, thưa ông?
- Có chứ. Một số nhân sự ra đi vì bất đồng quan điểm với người lãnh đạo trực tiếp hoặc vì lý do gia đình, cá nhân, họ cần tìm kiếm một môi trường khác phù hợp hơn để phát huy năng lực hay đơn giản chỉ vì muốn thay đổi môi trường. Sau một thời gian trải nghiệm môi trường và công việc mới, họ lại muốn quay về "mái nhà xưa".
Có nhiều lãnh đạo cho rằng đã ra đi là không thể quay về, nhưng như tôi đã nói, quan trọng là họ ra đi như thế nào và lúc quay về mong muốn gì, nếu cả hai bên cùng gặp nhau ở một điểm nào đó thì có thể bắt đầu trở lại.
Những năm kinh tế khó khăn, ngành du lịch và các DN lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề nhưng TST 4 năm liền đạt Giải thưởng lớn của ngành du lịch. Để có thành tích như vậy, ngoài nỗ lực tự thân thì chiến lược của TST cũng phải khá sôi động, vậy sao ông lại nói TST hoạt động âm thầm?
Xưa nay tôi vẫn dẫn dắt TST đi một cách lặng lẽ, không tham trở thành thương hiệu quá lớn và đại chúng, chỉ mong muốn xây dựng một thương hiệu an toàn để đối tác, khách hàng đến với chúng tôi cũng có cảm giác an toàn.
Có những thời điểm cạnh tranh rất nóng, khi thấy các công ty cùng ngành rầm rộ tung ra chiến lược này, chương trình khác, nhân viên của tôi cũng sốt ruột nhưng tôi không nôn nóng, quan điểm của tôi là "kinh doanh không nhất thiết phải đạt được thành công bằng mọi cách và phải dựa vào thực lực đang có, nhất là phải ý thức tính tự hào dân tộc" nên tôi thường "chọn lọc khách hàng".
Khi tìm hiểu thấy mình không đủ sức phục vụ nhu cầu khách hàng hoặc yêu sách họ đưa ra khó mang đến sự an toàn cho cả hai bên thì tôi từ chối. Tôi muốn du khách đặt chân đến Việt Nam, hay chọn thương hiệu TST phải có hình ảnh đẹp về TST, về du lịch Việt Nam. Tôi không muốn một DN làm ảnh hưởng chung đến cả thương hiệu du lịch Việt.
Nói vậy xem ra TST không chịu quá nhiều áp lực cạnh tranh, nhất là việc hội nhập ASEAN đang tới gần?
Kinh doanh thì không thể không áp lực. Thật ra ba năm nay, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từng bước cho hội nhập. Đối với việc khai thác khách du lịch vào Việt Nam, chúng tôi đang hướng tới những thị trường khó, thị trường ngách như Ấn Độ, Dubai... và tập trung tiếp cận để họ chọn Việt Nam làm điểm đến, sau đó hợp tác song phương với các đối tác đối lưu để họ chia sẻ thêm nhiều nguồn khách với mình.
Dự định sắp tới sẽ mời cố vấn người nước ngoài sang hoạch định chiến lược cho TST về các sản phẩm du lịch trong nước và chân dung khách hàng trong lộ trình hội nhập.
Trong chiến lược kinh doanh chung của Công ty, chúng tôi vẫn tập trung vào một số điểm đến cũ với mức giá phù hợp. Bên cạnh đó xây dựng các sản phẩm dịch vụ cao, khác biệt về chương trình, chấp nhận lượng khách ít nhưng vẫn khởi hành đều đặn.
Hiện, rất nhiều khách hàng hiểu biết khá rõ về giá tour, họ phân tích rõ ràng chi phí một chuyến đi từ vận chuyển đến lưu trú, ăn uống... để quyết định chọn mua sản phẩm nên chúng tôi phải giữ chân khách hàng bằng uy tín và chất lượng sản phẩm chứ không chèo kéo bằng bất kỳ giải pháp nào khi không có cơ sở.
Theo ông, việc mời chuyên gia nước ngoài sang tư vấn liệu có khả thi? Bởi chiến lược của một DN phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan, nhất là khi chiến lược phát triển cho du lịch Việt Nam hiện đang thiếu sự đồng bộ và hợp tác của nhiều đơn vị?
Đây là vấn đề khá nan giải, ở một số quốc gia phát triển kinh tế du lịch, họ có định hướng rất đồng bộ và chiến lược phát triển dài hạn, đặc biệt có sự hậu thuẫn rất lớn trong công tác quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia từ các cơ quan chức năng.
Trong khi đó ở Việt Nam, sự gắn kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa thực sự ổn định, nhất là mùa cao điểm, các điểm đến chính thường quá tải, giá dịch vụ bị đẩy lên quá cao.
Những năm gần đây, dù các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động tích cực để phát triển kinh tế du lịch, nhưng chúng tôi vẫn cần sự chỉ đạo và hỗ trợ mạnh hơn nữa từ Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cần phối hợp với các ban, ngành, địa phương, các đơn vị lữ hành, khách sạn, hàng không, điểm tham quan, di tích lịch sử... để có được những sản phẩm cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Một câu hỏi vui, bạn bè nhận xét ông là người khó tính, cầu toàn, chỉn chu... Còn ông tự nhận mình là người thế nào?
Tôi là người chỉn chu nhưng phải tùy hoàn cảnh và môi trường. Ở môi trường trang trọng, lịch sự thì sự chỉn chu nói lên sự tôn trọng những người xung quanh và chính mình.
Còn tự nhận thì có lẽ tôi là người đơn giản nhưng cầu toàn, người ta nói người đơn giản thì không có nhiều ước mơ hay tham vọng, nhưng tôi lại đang ấp ủ ước mơ hướng đến cộng đồng, đến những người đang làm với tôi và cho du lịch phía Nam.
Mong muốn từ năm 2015 - 2020 tôi sẽ thực hiện được một dự án du lịch sinh thái, phát triển những lợi thế khác biệt mà Nam bộ đang có để nơi đây sẽ là điểm đến giữ du khách ở lại, xây dựng ở đây một khu nông nghiệp công nghệ cao, khôi phục một số nghề truyền thống để khách đến đây vừa nghỉ dưỡng, tham quan, vừa có thể hình dung ra những ngôi làng Việt ngày xưa, hít thở không khí trong lành, ăn rau sạch, ở theo kiểu Nam bộ...
Đó cũng là lý do những năm nay tôi không tham gia vào kinh doanh bất động sản để dành tư duy và sức lực cho dự án này. Dự án có thành hay không một phần còn do may mắn nhưng tôi tâm niệm, muốn mơ ước thành hiện thực thì phải làm đến cùng và hết sức có thể.
Công việc của ông có vẻ khá suôn sẻ nhưng hỏi nhỏ, ông có cảm thấy cuộc sống của mình đơn điệu và buồn tẻ?
Tôi là người thích sự yên tĩnh, lắng đọng nên không thích lắm những chỗ quá ồn ào, vui nhộn và nơi hợp với tôi là một góc bàn trà để bạn bè chia sẻ khi thật sự cần gặp nhau.
Hơn 10 năm trước, lúc ở độ tuổi ngoài 30, tôi cũng có suy nghĩ doanh nhân phải làm hết sức, chơi hết mình, nhưng bây giờ tôi dành nhiều thời gian cho học hỏi, quan sát, bởi nhận ra: Những người thật sự thành công là những người biết quan sát và chịu học.
Đôi lúc tôi cũng cảm thấy buồn khi ước mơ không thành hoặc khi tôi làm ai đó buồn. Giờ tôi cảm thấy bình yên với cuộc sống, với khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trong ngày khi trở về nhà.
Những năm gần đây, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các công ty du lịch ăn nên làm ra, nhưng nhiều người lo lắng vì truyền thống sum họp gia đình vào ngày Tết đang bị mai một. Suy nghĩ của ông về điều này?
Dù hội nhập, phát triển đến đâu tôi cũng mong chúng ta phải giữ được nét đặc trưng của truyền thống dân tộc, đó cũng là nét đẹp thu hút sự chú ý của khách nước ngoài đến với Việt Nam vào dịp Tết. Họ đánh giá rất cao truyền thống này nên chúng ta phải cố gắng giữ gìn.
Tuy nhiên, có những năm thời gian nghỉ Tết khá dài, đủ để mọi gia đình được sum vầy, cúng tổ tiên, ông bà và chăm chút lễ nghĩa đón Tết cổ truyền. Sau ba ngày Tết còn thời gian nghỉ, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình, chúng ta cũng có thể đi đâu đó nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả.
Cảm ơn ông!
Theo DNSG
相关文章
随便看看