4 tháng, giải ngân đạt 19,2%
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển năm 2017 (theo Nghị quyết của Quốc hội) là 357.150 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước (NSNN) là 307.150 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) là 50.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4/2017, giải ngân kế hoạch vốn được 68.560,3 tỷ đồng, đạt 19,2% tổng kế hoạch vốn năm 2017. Trong đó, vốn NSNN là 68.560,3 tỷ đồng, đạt 22,3% kế hoạch vốn NSNN năm 2017. Cụ thể, các bộ, ngành trung ương là 15.905,5 tỷ đồng, đạt 22% (cùng kỳ năm 2016 đạt 17,7%); các địa phương là 52.654,8 tỷ đồng, đạt 22,7% (cùng kỳ năm 2016 đạt 18,6%). Bộ Tài chính cũng cho biết, đến nay vốn TPCP chưa thực hiện được giải ngân.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 4 tháng đầu năm 2017 là 19,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (là 18%). Trong đó, 5/44 bộ, ngành và 30/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 25% như Tòa án Nhân dân tối cao 31,7%, Bộ Công an 25,2%, Hải Phòng 47,7%... Tuy nhiên, còn 21/44 bộ, ngành trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 3%. Trong đó, có tới 16/44 bộ, ngành chưa giải ngân như kế hoạch là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao…
Việc giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương chậm, theo Bộ Tài chính là do còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch. Trước tiên do một số bộ, ngành và địa phương chưa nhập hoặc mới chỉ nhập một phần kế hoạch vốn được giao lên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) nên không có dự toán để thanh toán (như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải...)
Bên cạnh đó, một số dự án khởi công mới năm 2016 đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục về đầu tư xây dựng (giấy phép xây dựng, thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu) như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ... Không những vậy, trong 4 tháng, một số bộ, ngành và địa phương còn đang thực hiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đấu thầu với các gói thầu mới nên chưa có khối lượng để thanh toán. Đồng thời, việc thực hiện yêu cầu tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư của từng dự án theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ khiến các bộ, ngành phải rà soát điều chỉnh dự toán, ảnh hưởng đến công tác đấu thầu nên chưa có khối lượng thực hiện. Một số dự án đã có khối lượng nhưng chưa đến giai đoạn nghiệm thu hoặc chưa được chủ đầu tư nghiệm thu và hoàn thiện thủ tục thanh toán vốn.
Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, Bộ Tài chính cũng cho biết còn có một số nguyên nhân khác, như một số chủ đầu tư có tâm lý tập trung khối lượng lớn mới ra Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán vốn. Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư….
Sẽ có biện pháp đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc
Để thúc đẩy giải ngân từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện kế hoạch, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện và thanh toán vốn đầu tư để kịp thời xử lý.
Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cùng với đó, các bộ, ngành địa phương định kỳ lập báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo đúng thời hạn quy định, trong đó báo cáo rõ tình hình giải ngân, các tồn tại vướng mắc, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017.
Bộ Tài chính sẽ căn cứ kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 của các dự án, đồng thời trên cơ sở những nội dung khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của các bộ, ngành địa phương để thực hiện kiểm tra, xác định nguyên nhân chậm giải ngân tại một số bộ, ngành, địa phương và tại một số dự án lớn để có biện pháp đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung vượt thẩm quyền.
Theo quy định tại Quyết định số 2562/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2017, định kỳ hàng tháng, quý các đơn vị phải thực hiện lập báo cáo giải ngân gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Các bộ, ngành và địa phương đã cơ bản thực hiện quy định, tuy nhiên, thời điểm nộp báo cáo còn chậm dẫn đến việc Bộ Tài chính gặp khó khăn trong công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Hà Hạnh