Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong sản xuất, thời gian qua, Cà Mau có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, nhất là trong liên kết chuỗi giá trị.
Hiện toàn tỉnh có 4 công ty và doanh nghiệp, 7 HTX và 109 THT tham gia sản xuất lúa gạo. Đồng thời, có 18 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia liên kết với các vùng nuôi trong tỉnh với tổng diện tích khoảng 19.000 ha (4.400 hộ dân). Tuy nhiên, chủ yếu dừng lại ở mô hình tôm - rừng, tôm quảng canh, tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế với tổng sản lượng hằng năm ước đạt 6.000-8.000 tấn.
Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là một trong những ngành sẽ được Cà Mau ưu tiên trong quá trình thu hút đầu tư. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, con số trên còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Trên thực tế hiện nay, chúng ta chưa xây dựng được mô hình liên kết chuỗi hoàn chỉnh nào cả mà chỉ là một đoạn hay chỉ một liên kết nào đó trong chuỗi dài. Ngoài ra, việc phân phối giá trị lợi nhuận, giá trị gia tăng (một nguyên tắc cơ bản trong liên kết chuỗi) vẫn chưa thể thực hiện được.
“Nông nghiệp - nông thôn của chúng ta nếu không có bàn tay đỡ đần của doanh nghiệp mà cứ để nông dân tự bơi thì còn lâu lắm mới có thể sản xuất được hàng hoá”, ông Lê Văn Sử nhận định.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, Chính phủ ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013, quy định những ngành nghề nông nghiệp - nông thôn được ưu đãi đầu tư. Đồng thời, nghị định cũng có quy định tuỳ theo từng địa phương có thể quy định thêm một số ngành nghề ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn theo khả năng cân đối ngân sách của mình.
Đối với Cà Mau, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi về tiền thuê đất. Cụ thể, nếu dự án đầu tư trên địa bàn huyện, đảo sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản (không quá 3 năm) và 11 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động. Trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm. Đồng thời, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác về giá cho thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ về đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại...
Không chỉ vậy, tỉnh còn có bản cam kết với nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh như: cung cấp điện 24/24; chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, hệ thống điện đến hàng rào khu công nghiệp, dự án; hỗ trợ đào tạo nguồn lao động và cung cấp lao động có kỹ thuật…
Với những cam kết cũng như nỗ lực của tỉnh hiện nay trong cải cách hành chính, hy vọng Cà Mau sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn./.
Nguyễn Phú