Nuôi nấng con chồng tàn tật
Theánhđúccóxươsố liệu thống kê về đội tuyển tây ban nha gặp đội tuyển bóng đá quốc gia sípo chân người dẫn đường, chúng tôi bỏ lại phía sau những đèo dốc xa hút, qua rất nhiều ngã rẽ để đến được thôn Aka. Cuối một lối đi nhỏ là nhà bà Kăn Ten. Ngôi nhà đơn sơ, đồ đạc tuềnh toàng, nhưng đượm “màu” bình yên giữa những vạt sắn, ngô xanh mướt. Người đàn ông mù ngồi trước hiên nhà, ôm cây đàn nhỏ tự tạo gảy lên âm thanh vui vẻ bằng những ngón tay quắt queo. “Mế ơi mế”, người dẫn đường gọi. Bà Kăn Ten từ sau căn bếp đi ra cùng nụ cười tươi trên gương mặt sạm đen vì dầm sương dãi nắng. Bà đang chế biến miếng mít non vừa hái từ vườn để chuẩn bị bữa cơm trưa.
Bà Kăn Ten lao động để nuôi đứa con chồng sức khỏe yếu, mù lòa
Thấy có khách đến, mấy người hàng xóm ở cạnh nhà bà Kăn Ten cũng vui vẻ qua bắt chuyện. Tiếng kinh “bập bẹ” nên những lúc muốn diễn đạt cảm xúc, bà Kăn Ten nói rất dài bằng tiếng Tà Ôi. Người phụ nữ nuôi con chồng kể, bà không nhớ mình bao nhiêu tuổi, cũng không biết tuổi của A Viết Tis (con riêng của chồng). Nhưng trong ký ức, bà chưa bao giờ quên khi bà và Quỳnh Tis trở thành vợ chồng, ông đã có đứa con riêng với người vợ trước (đã mất). Lúc đó, A Viết Tis là một cậu bé mù bẩm sinh, những ngón tay quắt queo, sức khỏe yếu đuối. Trong lòng người phụ nữ Tà Ôi dâng lên tình cảm thương xót đứa trẻ bị tật nguyền mất mẹ. Khi A Viết Tis gọi bà là mẹ, Kăn Ten tự nhủ sẽ yêu thương chăm sóc đứa trẻ như nó là con của bà sinh ra. A Viết Tis có cả cha và không còn thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ. Rồi cậu sẽ có thêm những đứa em. Họ sẽ là một gia đình đủ đầy, ấm áp như bao người dân trong thôn.
Tai họa ập xuống khi ông Quỳnh Tis đột ngột qua đời. Lo ma chay cho chồng xong, bà Kăn Ten thẫn thờ giữa căn nhà sàn trống trải chỉ còn mình bà với A Viết Tis mù lòa bệnh tật. Xét về lý, Kăn Ten không có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, chăm sóc đứa con riêng của chồng. Bà có quyền tìm kiếm cho mình một hạnh phúc mới, sinh con đẻ cái, thực hiện thiên chức làm mẹ. Nhưng người phụ nữ với trái tim nhân hậu không đành lòng bỏ lại đứa trẻ đã mất mẹ nay lại mồ côi cha. “Mẹ (cách xưng hô của bà Kăn Ten với chúng tôi) cũng muốn đi lấy chồng chứ. Nhưng mẹ thương A Viết Tis. Nếu mẹ đi lấy người khác, không ai nuôi A Viết Tis. Mẹ không chăm sóc thì nó chết”. Vậy là bà Kăn Ten quyết định không nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình, ở vậy làm lụng nuôi nấng yêu thương đứa con riêng tật nguyền của chồng.
Truyền cảm hứng
Những người hàng xóm kể, mỗi ngày bà ra khỏi nhà từ lúc sáng sớm, khi ra ruộng, lúc vào rừng, vào suối. Đôi khi bà tranh thủ về nấu cơm trưa cho A Viết Tis. Nếu độ đường quá xa, bà dậy sớm nấu cơm, phần để lại cho con, phần mang theo ăn, làm lụng đến lúc tắt mặt trời mới trở về. Hết trồng lúa, trồng bắp thì đi bắt cá, mò ốc, kiếm củi. Nhiều hôm mưa gió chẳng bắt được gì, thức ăn của hai mẹ con chỉ là chén muối. Khó khăn thiếu thốn về vật chất, nhưng trong ngôi nhà đó lúc nào cũng chứa chan thứ tình cảm ấm áp- tình mẫu tử.
Cuộc sống còn khó khăn, nhưng mẹ con bà Kăn Ten lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm
Nhiều người dân ở cùng thôn bảo, họ rất khâm phục và yêu mến bà Kăn Ten, bởi tấm lòng nhân hậu của bà. “Mẹ gà, con vịt”, không cùng máu mủ ruột rà, không ràng buộc pháp lý nhưng người phụ nữ ấy chấp nhận hi sinh cả quãng đời thanh xuân, chấp nhận gian nan vất vả để nuôi nấng chăm sóc con chồng. Cậu bé A Viết Tis năm xưa giờ chừng 40 tuổi. Dù bệnh tật ốm yếu, đôi mắt mù lòa không nhìn thấy gì, nhưng anh bảo “thấy” mẹ Kăn Ten là người mẹ đẹp nhất trần gian. Thương mẹ, anh gảy đàn để mẹ “vui cái bụng”.
Ông Ploong Phương, Chủ tịch UBND xã A Roàng cũng cho biết, đây là trường hợp hiếm có, đáng trân trọng. Anh A Viết Tis là người tàn tật, hoàn cảnh hai mẹ con khó khăn nên năm 2004 được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà tình thương. Ngoài chế độ dành cho người tàn tật, mẹ con bà Kăn Ten được bộ đội biên phòng hỗ trợ 20kg gạo mỗi tháng. Cô Nguyễn Thị Tứ (nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non A Roàng, hiện là cán bộ Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới) chia sẻ, cách đây hơn mười năm, khi vào công tác tại A Roàng, cô đã rất xúc động bởi tình yêu thương và sự hi sinh của “mẹ Kăn Ten” dành cho “người mù” (cách mà những người hàng xóm thường gọi A Viết Tis). Tình cảm đó truyền cảm hứng cho cô và nhiều cán bộ giáo viên của trường, truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác để sống tích cực hơn, làm những việc có ý nghĩa từ những điều nhỏ nhặt.
Bài, ảnh: PHẠM THÙY CHI