“Vì là DN nhỏ”
Danh sách mặt hàng XK bị kiện PVTM ngày càng đa dạng,òngvệthươngmạiBịđộnglàthuathiệbd k từ ốc vít, sợi, máy biến thế cho đến thủy hải sản, thép và các sản phẩm từ thép... Trong các vụ kiện PVTM, kiện chống bán phá giá chiếm đa số. Mới đây nhất, Malaysia đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá mặt hàng tôn phủ màu NK từ Việt Nam và Trung Quốc.
Những vụ kiện PVTM không chỉ gây thiệt hại cho DN nói riêng mà còn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước nói chung nhưng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các DN Việt Nam nói chung còn rất chủ quan và thiếu sự quan tâm đến PVTM khi cho rằng họ là những DN nhỏ, lượng hàng XK ít, sẽ không ảnh hưởng khi có sự vụ xảy ra.
Là DN thuộc ngành thép - một ngành trong thời gian gần đây vấp phải khá nhiều vụ kiện, nhưng theo đại diện Công ty TNHH Austrong Việt Nam, Công ty không quan tâm vì lượng hàng XK hay NK đều thấp, các mặt hàng Công ty sản xuất chủ yếu phân phối trong nội địa nên chưa lo nhiều về những vấn đề này. Ông Thân Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thép Tây Đô cho biết thêm, lượng hàng XK của Công ty không nhiều, lại chỉ XK sang các nước lân cận như Lào, Campuchia… nên Công ty vẫn chưa thấy được nguy cơ để dành nhiều sự quan tâm hơn nữa.
Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Uyển, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK thủy sản Quảng Ninh cho hay, Công ty không quan tâm đến việc đối phó với các vụ kiện PVTM bởi mặt hàng XK của công ty có đặc thù là hàng chế biến chất lượng cao, giá thành cao do nguyên liệu phải NK từ các nước tiên tiến để chế biến rồi mới XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc… Lượng nguyên liệu nhập về còn không đủ để chế biến thành sản phẩm XK nên Công ty vẫn chưa lo lắng gì đến các vụ kiện PVTM, cho dù là vụ kiện liên quan đến các mặt hàng thủy hải sản.
Phòng hơn chữa
Là mặt hàng chưa từng bị kiện, nhưng để phòng ngừa rủi ro, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu cũng đã có nhiều sự chuẩn bị và liên tục cập nhật thông tin từ địa phương cũng như hiệp hội. Tuy nhiên, chính vì chưa từng bị kiện và là sản phẩm cần đem đi bán ngay nên nhiều vấn đề liên quan bị bỏ qua hoặc làm không tới. Do đó, ông Trần Ngọc Hiệp, giám đốc Công ty khẳng định: “Nếu bị kiện thì DN Việt Nam sẽ thua vì các DN không có sự chuẩn bị, hoàn toàn bị động”.
Chính vì thế, dù ít hay nhiều, các DN cũng phải dần tạo cho mình thế chủ động cũng như nắm bắt và truyền tải thông tin nhanh, chính xác. Theo ông Thân Văn Lý, mặc dù chưa mặn mà với việc đối phó và chuẩn bị cho các vụ kiện PVTM có thể xảy ra, nhưng Công ty vẫn cố gắng minh bạch, thống nhất về giấy tờ, hợp đồng, sổ sách… để bất cứ khi nào cần đều có thể mang ra đối chứng. Bên cạnh đó, Công ty cũng có nhiều hoạt động cải tổ bộ máy, cải tổ sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo sát sao từ Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Chia sẻ về hướng đi của DN, theo bà Ninh Thị Bích Thùy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thép TVP, để tránh những vụ kiện PVTM, Công ty đã đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường XK. Hơn nữa, ngay khi có thông tin về các vụ kiện PVTM, Hiệp hội Thép sẽ đưa ra những khuyến cáo để DN thực hiện, Công ty sẽ dựa vào đó để có phương án điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, Công ty đang có chiến lược tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa bởi các mặt hàng liên quan đến thép khi mang đi XK thì giá trị không cao hơn tiêu thụ trong nước mà dễ rủi ro.
Gỗ là mặt hàng gần đây đã XK được nhiều sang Hoa Kỳ, EU và được cảnh báo về khả năng đối mặt với giải pháp PVTM của các nước NK, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, đặc thù của các DN ngành gỗ là giá trị hàng XK lớn, nếu bị kiện thì hàng hóa không XK được, DN phải chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí phá sản. Chính vì thế, nhiều DN đã lo lắng trước những cảnh báo nên có định hướng rõ ràng, khi hoạt động sản xuất đều có phương án phòng ngừa, nắm chắc thông tin.
Theo ông Quyền, các DN đã được khuyến cáo NK gỗ nguyên liệu từ các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, EU… để chế biến nên sẽ không phải lo lắng nhiều về chất lượng. Bên cạnh đó, các DN phải hợp tác làm ăn với các đối tác lớn có uy tín, có siêu thị tại nhiều quốc gia thì các sản phẩm sẽ theo chân các thương hiệu này phân bổ dễ dàng hơn. Đặc biệt, các DN ngành gỗ đã có sự liên kết lại, cùng chia sẻ thông tin để cùng thống nhất về giá cả, chất lượng.
Có thể nói, mỗi ngành hàng mặc dù có những đặc thù sản xuất, kinh doanh khác nhau, nhưng khi chuẩn bị và đối phó với các vụ kiện PVTM đều cần ý thức từ người lãnh đạo DN. Họ phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng bị thì mới đưa ra được những chiến lược phù hợp hơn, tránh những rủi ro bất ngờ gặp phải trên thương trường quốc tế.