Chắp cánh cho thương hiệu Việt tại các thị trường lớn Nâng giá trị thương hiệu doanh nghiệp nhà nước nhờ đầu tư ra nước ngoài Kinh nghiệm đưa thương hiệu Việt ra thế giới |
VinFast chính thức được niêm yết tại sàn chứng khoán Nasdaq - New York (Mỹ). |
Tăng sức mạnh từ giá trị thương hiệu
Theo báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022. Vì thế, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". |
Nói về một số sản phẩm "Made in Việt Nam" đã thành công đi ra nước ngoài bằng thương hiệu của chính mình có thể kể đến như cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, gạo “cơm Việt Nam Rice”, nước dừa Vietcoco… cùng nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn khác. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh mở rộng chi nhánh, đại lý, thậm chí là nhà máy sản xuất tại nước ngoài với tham vọng trở thành những doanh nghiệp toàn cầu. Chiến lược này cũng đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Chẳng hạn, báo cáo kinh doanh 9 tháng năm 2023 của Vinamilk ghi nhận đóng góp của thị trường nước ngoài là 7.218 tỷ đồng; hệ sinh thái sản phẩm có mặt tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tương tự, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã xuất khẩu các sản phẩm từ dừa bằng thương hiệu Vietcoco tới 60 thị trường và có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn trên thế giới. Với danh mục sản phẩm xuất khẩu đa dạng, thị trường rộng mở, kim ngạch trung bình của Vietcoco đạt tới 20 triệu USD/năm. Công ty Lương Quới cho hay, xuất khẩu bằng thương hiệu riêng sẽ là mục tiêu chủ đạo của Công ty giai đoạn 2025-2030, đưa kim ngạch tăng dần từ 100 triệu USD lên 200 triệu USD/năm.
Đặc biệt, năm 2023 đã chứng kiến “con sóng” lớn từ việc mã cổ phiếu của VinFast chính thức được niêm yết tại sàn chứng khoán Nasdaq - New York (Mỹ), đánh dấu việc VinFast chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với hơn 23 tỷ USD.
Hiện việc đưa thương hiệu ra nước ngoài và nâng tầm thương hiệu có nhiều cách thức, trong đó, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại các thị trường lớn là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là những “kỳ lân” công nghệ để vừa tăng sức mạnh giá trị thương hiệu vừa thu hút đầu tư cho doanh nghiệp phát triển. Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNG chia sẻ, IPO trên thị trường quốc tế cũng có những rủi ro nhưng nếu không làm thì VNG không thể đưa công ty phát triển một cách thực sự.
Tại Việt Nam, sàn thương mại điện tử Tiki cũng lên kế hoạch IPO tại Mỹ vào năm 2025, nhưng hiện Tiki đã bán 10% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Shinhan (Hàn Quốc). Các nhà đầu tư quốc tế cũng đang kỳ vọng vào động thái IPO của nền tảng bản lẻ The CrownX từ Tập đoàn Masan. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan cho biết, đợt IPO của The CrownX có thể được triển khai trong năm 2024 hoặc 2025, khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn. Hiện Masan đã kêu gọi thành công nhiều tên tuổi lớn trong thị trường tài chính quốc tế làm đối tác chiến lược và cùng hiện thực hóa tham vọng vươn tầm. Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn FPT cũng đang kỳ vọng FPT Software có thể IPO để trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu khu vực.
Có thể thấy, dù trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất ý thức trong việc xây dựng và phát triển để nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó đóng góp lớn vào nâng cao giá trị cho sức mạnh thương hiệu quốc gia Việt Nam. Brand Finance - tổ chức định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh – luôn đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới.
Bài bản và khôn ngoan để định vị thương hiệu
Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Củng cố giá trị sản phẩm Thương hiệu chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm. Với những tập đoàn lớn, thương hiệu giá trị hàng tỷ USD, hàng trăm triệu USD, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng có những thương hiệu giá trị như vậy. Nếu xây dựng được thương hiệu và sản phẩm đặc sắc thì sẽ càng củng cố giá trị sản phẩm khi vươn ra thị trường quốc tế. |
Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, Việt Nam đã góp mặt vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới. Nhưng thực tế là những thành công đưa thương hiệu ra nước ngoài như kể trên vẫn không phải nhiều, mà đa số nhóm hàng của nước ta đang đi ra thị trường quốc tế bằng nhãn hiệu khác, của quốc gia khác.
Chẳng hạn như với mặt hàng gạo, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu nhưng khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) lại thường ở dạng gia công nguyên liệu thô, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt để bán. Hay với mặt hàng cà phê, Việt Nam cũng xuất khẩu với sản lượng trong nhóm dẫn đầu nhưng không chỉ không có thương hiệu riêng mà người tiêu dùng nước ngoài thậm chí còn không biết đến nguồn gốc nguyên liệu cà phê là từ Việt Nam…
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế là rất cần thiết và cấp bách nhưng cũng là một quá trình đòi hỏi phát triển bền vững mà các doanh nghiệp phải hướng đến, đặc biệt là với những cơ hội đã được mở ra từ những hợp tác và việc Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Chia sẻ về thành công của thương hiệu Vinfast trước báo chí, bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất và kinh doanh VinFast cho hay, 3 điểm mấu chốt mà các công ty trong Vingroup hướng đến là sản phẩm xuất sắc, giá cả cạnh tranh và dịch vụ cực tốt. Bà Thủy cho biết, sự phát triển tại thị trường Việt Nam khá tốt, có sự ủng hộ của khách hàng nên là nền tảng để Vinfast đi ra các thị trường khác. Với chiến lược phát triển toàn cầu, VinFast chọn bắt đầu từ Mỹ - thị trường khó nhất nhưng cũng nhiều cơ hội nhất.
Hay với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cách để xây dựng thương hiệu tại thị trường EU không chỉ là mua đi bán lại mà là phải xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Công ty đã thực hiện đồng bộ từ quy hoạch vùng trồng đến các quy trình canh tác, chọn giống để đảm bảo chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Do vậy, khuyến nghị chung đến cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản, chiến lược khôn ngoan thì mới có thể đưa được những thương hiệu riêng của doanh nghiệp vào thị trường. Chẳng hạn để vào thị trường EU, các doanh nghiệp phải thấu hiểu văn hóa, các tập quán kinh doanh của thị trường này để phát triển sản phẩm phù hợp. Sản phẩm ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng nước ngoài cũng cần phải mang bản sắc của Việt Nam để giúp định vị thương hiệu, xây dựng thương hiệu tốt hơn.