Thực tế, không ít khách hàng Việt rất ưa chuộng mua xe ô tô đã qua sử dụng. Bởi mua xe cũ chỉ bỏ ra số tiền ít hơn nhưng lại có có thể sở hữu một chiếc có kiểu dáng đẹp, nội thất sang trọng và mang thương hiệu cao cấp hơn so với mua một chiếc xe mới.
Hơn nữa, nếu có sự lựa chọn cẩn thận, sẽ tìm được một chiếc xe cũ có chất lượng tốt với mức giá “hời”. Thậm chí còn có cơ hội thừa hưởng nhiều trang thiết bị bổ sung cho xe từ chủ xe cũ mà không phải tốn thêm chi phí lắp đặt.
Những kinh nghiệm “vàng” dưới dây sẽ giúp ích rất lớn cho những ai có nhu cầu mua xe ô tô đã qua sử dụng:
Nên mua xe ô tô có tuổi đời khoảng 4 năm
Theo ý kiến của một số người có kinh nghiệm mua xe ô tô đã qua sử dụng, những chiếc xe có tuổi đời khoảng 4 năm thì có sức tiêu thụ mạnh nhất. Bởi chất lượng những chiếc xe này còn khá tốt nhưng mức giá giảm so với xe mới rất nhiều. Nếu như phải thay thế một số linh kiện hỏng hóc thì cũng không nhiều vì phần lớn các phụ tùng, linh kiện đều đang trong tình trạng tốt.
Phải lái thử xe
Là người mua xe, không chỉ đi loanh quanh chiếc xe và ngó bên phải, trái, bên trong, bên ngoài mà hãy lái thử. Việc này vô cùng quan trọng. Chính trong quá trình vận hành, người mua xe có cảm giác chính xác về chiếc xe mà mình đang quan tâm. Do vậy, khi mua xe, không nên ngần ngại đề nghị chủ sở hữu xe cho phép bạn lái thử.
Hãy cẩn trọng với những chiếc xe đã được “mông má”
Nên xem xe ở nơi có ánh sáng tốt, đặc biệt là ở ngoài trời để có thể thấy rõ những chi tiết xe, từ đó giúp bạn có thể phát hiện xe đã từng sơn, sửa ngoại thất hay không. Đồng thời nên lưu ý số km hoạt động (ODO), nó sẽ phản ánh rõ tổng thể quá trình hoạt động của xe. Nếu bạn gặp một chiếc xe chỉ đi khoảng 20.000 km, chắc hẳn nội thất sẽ còn khá mới. Tuy nhiên, nếu chiếc xe bạn đang xem xét mua có ODO lên tới 40.000 – 50.000 km mà nội thất “bóng bẩy” thì chắc chắn chiếc xe này đã được “mông má”.
Tất nhiên, trong trường hợp ngược lại, một chiếc xe có nội thất hao mòn, cũ kỹ mà ODO chỉ ở mức 20.000 – 30.000 km, điều này bạn cần phải yêu cầu chủ xe cung cấp sổ bảo dưỡng để biết chính xác xe đã lăn bánh bao nhiêu, tránh tình trạng xe bị “tua” đồng hồ. Trong trường hợp xe không có sổ bảo dưỡng thì việc đưa xe lên hãng hoặc các gara xe để kiểm tra chính xác ODO và kết hợp kiểm tra hệ thống máy có bị thuỷ kích, xe có bị đâm đụng không là điều bắt buộc phải làm.
Quan tâm đến năm sản xuất (đời xe) và nơi sản xuất
Không cần quan tâm người chủ sở hữu xe mua xe vào thời điểm nào, quan trọng nhất bạn biết năm sản xuất (đời xe) để định giá được chính xác. Có nhiều mẫu xe, năm sản xuất chỉ chênh lệch nhau một năm nhưng khác rất nhiều về kiểu dáng và đương nhiên là giá xe sẽ còn khác xa. Do vậy, để có thể định giá chính xác, bạn hãy xem kỹ giấy tờ xe.
Bên cạnh đó, ở thị trường Việt Nam, khách hàng luôn “tin dùng” xe nhập khẩu hơn xe lắp ráp trong nước. Trong cùng một dòng xe, xe nhập khẩu sẽ có giá cao hơn hẳn.
Nếu đã ưng ý, bước tiếp theo hãy xem thật kỹ hồ sơ pháp lý của xe
Đây là một bước quan trọng không kém. Khi bạn đã ưng ý, hãy yêu cầu chủ sở hữu xe đưa 3 loại giấy gồm: Giấy đăng ký xe (cà vẹt), đăng kiểm, giấy ủy quyền (nếu có) để kiểm tra chéo các thông tin cho thật trùng khớp. Những thông tin cần kiểm tra: tên chủ sở hữu, biển số, số khung, số máy, màu sơn…
Đáng lưu ý, nếu xe bạn đang định mua được đăng ký trong khoảng thời gian từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2010 thì cần phải yêu cầu người bán đưa thêm bộ hồ sơ tự quản. Điều này sẽ tránh cho bạn gặp phiền phức khi làm hồ sơ sang tên xe.
Ngoài ra, có một số trường hợp xe đang được cầm cố trong ngân hàng, người mua xe nên hỏi và nắm rõ việc giải quyết các thủ tục ngân hàng trước khi ra công chứng mua bán.
Theo TTXVN