Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh như vậy, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCO.
*PV: Thưa ông, trong những năm gần đây, Chính phủ coi phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng, giúp kinh tế Việt Nam bứt phá và có nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển. Ông đánh giá như thế nào về những thế mạnh của DN tư nhân nước ta?
- Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự vươn lên phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN tư nhân Việt Nam. Khu vực DN này ngày càng tỏ ra có nội lực, năng động, linh hoạt và hoạt động hiệu quả hơn, hội nhập một cách nhanh chóng.
|
Bên cạnh đó, có thể thấy, tự bản thân DN tư nhân Việt Nam có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đã có nhiều DN vươn lên, từng bước tự xây dựng thương hiệu, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Đây cũng là một trong những khu vực DN nộp thuế nhiều nhất cho Nhà nước.
Trên thực tế, ngày càng đông các DN tư nhân đã và đang vươn ra đầu tư, hoạt động ở nước ngoài, tôn vinh được thương hiệu DN Việt trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt là đội ngũ DN khởi nghiệp (startup) với nền tảng kiến thức tốt, học hỏi nhanh, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ cao đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
*PV: So sánh DN tư nhân trong mối tương quan với DNNN, ông thấy khu vực DN tư nhân có ưu điểm nào nổi trội hơn?
- Rõ ràng, so với DNNN, DN tư nhân có nhiều ưu việt hơn, nhất là trong việc sử dụng các nguồn lực quốc gia.
Trong khi đó, các DN tư nhân có nguồn lực không nhiều, các nguồn lực từ tài nguyên quốc gia vẫn chủ yếu đang nằm trong khối DNNN. Nếu tính tổng lượng vốn của các DNNN đang quản lý đến nay vẫn còn gấp nhiều lần DN tư nhân.
*PV: Vậy theo ông, nước ta cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào để không gây lãng phí nguồn lực quốc gia?
- Tôi nghĩ, Nhà nước nên tiếp tục thay đổi quan điểm, hiện tại đang là "những gì DN tư nhân làm được thì để cho DN tư nhân làm", chuyển tiếp sang tư tưởng "những gì DN tư nhân làm hiệu quả hơn Nhà nước thì để cho DN tư nhân làm".
Ví như hiện có rất nhiều tài sản, nhiều lĩnh vực, hoạt động kinh doanh DNNN đang nắm giữ như lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sản xuất các mặt hàng chiến lược… Nếu như xét thấy DN tư nhân có thể làm tốt hơn thì nên giao lại cho DN tư nhân làm để Nhà nước chỉ tập trung vào nhiệm vụ chính của mình đó là quản lý.
*PV: Đứng dưới góc độ là một DN tư nhân, ông thấy hiện DN tư nhân đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức gì và cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách như thế nào để phát triển?
- Bên cạnh những khó khăn chủ quan, khách quan như thế giới có nhiều biến động, quá trình hội nhập tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt, DN còn thiếu vốn, yếu về quản trị, công nghệ… Tôi muốn nhấn mạnh rào cản về cơ chế, thể chế và môi trường kinh doanh.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương khi các DN vào đầu tư thì rất cởi mở, trải thảm đỏ đón chào DN. Tuy nhiên lại không giải quyết được bài toán đầu tư từ giai đoạn đầu cho đến giai đoạn cuối thuận lợi cho DN. Nhiều chính quyền địa phương không nhất quán và chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ.
Do đó, không chỉ Chính phủ bứt phá mà bản thân các địa phương, bộ ngành cũng phải có sự bứt phá mạnh mẽ, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí… cho DN.
Ngoài ra, DN vẫn còn “đau đầu” về các khoản chi phí không chính thức. Chính phủ cần có biện pháp hạn chế chi phí này cho DN, tạo một môi trường chính sách và thực thi chính sách lành mạnh. Đồng thời, cộng đồng DN tư nhân mong Chính phủ có sự quan tâm công bằng đối với tất cả các khu vực DN, từ DN lớn, tiềm năng đến DN nhỏ và siêu nhỏ hay DN khởi nghiệp.
Cuối cùng, ở một khía cạnh khác, chúng ta thấy rằng, nguồn lực từ các DN tư nhân được hậu thuẫn từ các nguồn lực của quốc gia, nhưng nguồn tài nguyên đó rồi cũng có thể cạn kiệt. Điều đó đặt ra bài toán cần lời giải: chất lượng tăng trưởng của khu vực DN tư nhân liệu có giữ vững được trong sự cạnh tranh với các DN đầu tư nước ngoài hay không. Rõ ràng, chúng tôi cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
*PV: Xin cảm ơn ông!
Tố Uyên