Phân loại hoa trước khi xuất khẩu. Ảnh: Sơn Nam |
Nâng giá trị thương hiệu
Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận “Thành phố Festival Hoa của Việt Nam”, tổ chức Festival Hoa hai năm một lần để tôn vinh người trồng hoa; nâng giá trị nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận, gắn với chỉ dẫn địa lý để mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khu vực và quốc tế.
Đánh giá chung của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho thấy, đến nay, cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như trình độ canh tác hoa của nông dân địa phương cao hơn mặt bằng chung cả nước.
Năm 2022 - 2023, tăng trưởng ngành Nông nghiệp của Lâm Đồng đạt trên 5%, tương đương khoảng trên hơn 20 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 40% cơ cấu kinh tế. Trong đó ngành hoa chiếm tỷ trọng cao, đóng góp đáng kể trong cơ cấu chung của ngành kinh tế nông nghiệp (ngành kinh tế chủ lực của tỉnh). Số liệu cập nhật mới nhất của Hiệp hội Hoa Đà Lạt đến cuối năm 2024, toàn tỉnh sản xuất 10.880 ha hoa các loại, tổng sản lượng 4,4 tỷ cành, đem lại giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất hoa công nghệ cao, đặc biệt doanh nghiệp FDI đã tạo thuận lợi cho người sản xuất trong tỉnh có cơ hội tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông minh để phát triển liên kết sản xuất gắn với thị trường.
Đặc biệt, các doanh nghiệp hoa trên địa bàn tỉnh bước đầu nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả công nghệ lai tạo, nhân giống, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất một số giống hoa lan hồ điệp, lan vũ nữ, đồng tiền; góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế....
Ứng dụng công nghệ cao sinh học, cấy mô phát triển ngành hoa Đà Lạt. Ảnh: Sơn Nam |
Với kinh nghiệm nhiều năm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành hoa Lâm Đồng đã triển khai nhiều mô hình điểm công nghệ mới về giống của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; nhà kính của Israel, Pháp, Hà Lan; IoT cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng của các nước châu Âu, Nhật Bản; quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ thông minh quản lý trang trại, tưới nước tiết kiệm, tự động.
Trước mục tiêu hình thành trung tâm sản xuất hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á, ngành hoa Lâm Đồng tiếp tục phát huy lợi thế so sánh, phát triển chuỗi sản xuất bền vững và giá trị cao mang tầm quốc tế.
Cú huých cho ngành hoa vươn tầm
Theo ước tính, thu nhập bình quân sản xuất hoa Lâm Đồng đạt trên 3 tỷ đồng/ha, đứng đầu trong ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Đông Nam Á, sản xuất được 200 triệu cây giống/năm theo công nghệ nuôi cấy mô invitro, nâng tỷ lệ hoa xuất khẩu từ 9,7% như hiện nay lên 30%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 217 triệu USD/năm.
Mục tiêu đến năm 2030, ngành hoa Lâm Đồng phấn đấu trên 70% sản lượng tiêu thụ thông qua Trung tâm Giao dịch hoa tại TP. Đà Lạt và xây dựng thêm 1 - 2 trung tâm logistics đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại kết hợp quy hoạch giao thông vận tải. Qua đó, tổng số diện tích hoa gieo trồng theo hướng bền vững nâng lên 11.500 ha. |
Theo đó, về giải pháp đột phá trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí nguồn vốn tương xứng thực hiện các đề tài, dự án trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và bảo quản hoa sau thu hoạch; xây dựng cổng thông tin dự tính, dự báo, xác định bản đồ dịch hại cây hoa đến từng cánh đồng, trang trại; các mô hình tích hợp các thông số ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng, ứng dụng hệ thống cảm biến điều chỉnh ánh sáng, ẩm độ đất, ẩm độ không khí để điều chỉnh quy trình phân bón, tưới nước, hệ thống phun thuốc tự động cho cây hoa.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng giải pháp thu hút nguồn vốn ODA, FDI đầu tư phát triển sản xuất hoa công nghệ cao, công nghệ thông minh; trong đó ưu tiên các dự án phát triển nông nghiệp tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư do tổ chức JICA - Nhật Bản hỗ trợ; hợp tác với các nước Bỉ, Hà Lan, Israel, Hàn Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất hoa hiện đại; triển khai chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...
Vườn lan Hồ Điệp trước khi xuất bán của doanh nghiệp hoa Đà Lạt. Ảnh: Sơn Nam |
Theo TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua tỉnh luôn quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản, nhiều sản phẩm của tỉnh đã tham gia vào chuỗi toàn cầu, hiện địa phương có 30 thương hiệu nông sản và nông sản địa phương chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, Lâm Đồng đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt kết tinh diệu kỳ từ đất lành” tập trung vào sản phẩm rau hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu mạnh, có giá trị cao.
Về định hướng phát triển bền vững ngành hoa tại Đà Lạt thời gian tới, TS. Phạm S cho biết, ngành Nông nghiệp địa phương sẽ tiến hành cơ cấu lại nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng khu vực và năng lực sản xuất của người dân, doanh nghiệp, đồng thời, bố trí sử dụng hợp lý công nghệ nhà kính đảm bảo cảnh quan đô thị, nông thôn hướng đến hình thành các mô hình điểm về làng hoa xanh.
Nông nghiệp Lâm Đồng phấn đấu hiện đại hóa khâu sản xuất hoa thông qua nhập nội và sử dụng giống mới đạt trên 3.000 ha gieo trồng hàng năm (26% tổng diện tích canh tác hoa), với tỷ lệ diện tích hoa từ các giống mới có bản quyền đạt 35 - 40% phù hợp với các quy định để phát triển thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, tỉnh thực hiện đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại các thị trường chủ lực trên thế giới và nhiều giải pháp thúc đẩy hiện đại hóa quy trình sản xuất, canh tác khác.
Tháng 7/2023, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thực hiện ký kết khoản vay ODA cho Chính phủ Việt Nam trị giá 10.672 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng. Trong đó có khoản vay cho Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) trị giá 829 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh, với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và đặc biệt là tiểu dự án xây dựng Trung tâm Giao dịch hoa Đà Lạt. |