Ở những xóm có nhiều hộ dân sống nhờ lục bình,ươnglắmlụcbnhơtỷ lệ kèo bóng đá hom nay có người nói rằng, cây lục bình đem đến miếng cơm, nó gắn bó với mình từ lúc sinh ra đến khi về với đất... nghe thấy khó hiểu, nhưng ở những vùng quê của huyện Long Mỹ, từ lục bình đã dệt lên nhiều câu chuyện hay. Cuộc sống gia đình cô Nương đỡ hơn từ nghề làm lục bình. Có dịp về Vĩnh Thuận Đông vào những ngày giáp tết, sẽ thấy không gian ngập lục bình khô, cái nghề vốn dĩ đã gắn bó với người dân lâu nay. Nhiều cụ cao niên ở đây nói rằng, lục bình được xem như một món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Thuận Đông. Dưới dòng sông nhỏ hiền hòa, sóng gợn lăn tăn, từng đám lục bình cứ chầm chậm trôi yên ả. Nó hiền hòa như tên đất, tên người ở nơi đây. Gắn bó gần 15 năm với việc làm lục bình từ đi cắt thuê cho người khác đến việc thuê bãi để nuôi lục bình, bà Nguyễn Thị Hoa, ở ấp 5, càng thấy yêu hơn xứ sở này, tuy còn nhiều vất vả nhưng niềm vui cũng nhiều. Nhanh tay gom lại mớ lục bình đang phơi dở, bà Hoa bộc bạch: “Với tôi, lục bình đã trở thành một người bạn. Làm lục bình rất vất vả, phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Sợ nhất là mấy ngày trời mưa bất chợt, phải nhanh tay gom lại chứ nếu không để lục bình đen quá giá bán sẽ bị giảm. Tuy vất vả nhưng vui, cũng nhờ nó mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn trước”. Từ một loại cây trôi dạt theo con nước và gắn với cái “mác” buồn hiu, lục bình đã đến với Hậu Giang nói chung và người dân xã Vĩnh Thuận Đông nói riêng như một “cơ duyên”. Chính “cơ duyên” ấy đã giúp bao người dân có của ăn, của để, thu nhập ổn định, đời sống đỡ chật vật và nuôi dạy các con ăn học thành tài. Nhớ lại những ngày đầu mới tập đi cắt và phơi khô lục bình, cô Phạm Thị Phong, ở ấp 4, bộc bạch: “Mới đầu không biết làm thấy mệt lắm, bây giờ thì tôi quen rồi. Làm lục bình chỉ tốn công nên lợi nhuận đem về tương đối khá. Bình quân từ 10-15kg lục bình tươi sẽ làm ra 1kg lục bình khô với giá hiện tại khoảng gần 20.000 đồng. Do đó, chỉ cần vài ngày hay tuần lễ là chúng tôi lại có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống. Tết này lại có thêm tiền mua cho mấy đứa nhỏ ít bộ đồ mặc ăn tết”. Gần 10 năm gắn bó với nghề làm lục bình khô đã giúp cho cô Phong có nhiều kinh nghiệm từ việc cắt, phơi và bó thành phẩm. Ngoài việc làm lục bình tại nhà, những khi rảnh tay cô cũng đi cắt thuê lục bình tươi cho những hộ xung quanh với giá từ 300-350 đồng/kg. Lục bình là loại cây dễ chăm sóc, do đó, có khá nhiều người dân vớt lục bình trôi rồi làm hàng rào bao bọc dưới sông để nuôi. Khoảng tầm 3 tháng là lục bình vừa già để cắt, vừa nặng ký và chất lượng cọng cũng tốt. Tuy nhiên, nếu để quá lâu lục bình sẽ dễ bị đổi màu và úng, ảnh hưởng đến sản phẩm làm ra. Từ khi người dân tận dụng nguồn lục bình sẵn có cải thiện cuộc sống gia đình, dòng sông cũng không còn cảnh ùn ứ như trước, ghe xuồng qua lại cũng thuận tiện hơn. Ở Long Mỹ, ngoài Vĩnh Thuận Đông thì Vĩnh Viễn A cũng là nơi có khá nhiều người dân làm lục bình khô. Không chỉ vậy, họ còn mạnh dạn thành lập tổ hợp tác thu mua lục bình để đan đát, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ông Lê Văn Trong, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Chí Công, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Tổ hợp tác được hình thành từ năm 2013, đến nay đã có 23 thành viên. Bình quân mỗi người sẽ thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng khi trừ tất cả mọi chi phí. Đầu ra của sản phẩm luôn được đảm bảo vì vậy đời sống người dân có nhiều khởi sắc hơn”. Bây giờ nhờ giao thông thông thoáng, việc buôn bán và vận chuyển lục bình cũng thuận tiện. Người dân không còn chịu cảnh ùn hàng, ép giá như trước nữa. Vậy mà chưa phải đã hết nỗi lo. Giờ đây nỗi lo của người dân ở Vĩnh Thuận Đông, cũng như nhiều người dân làm lục bình ở Hậu Giang là không biết chuyện hạn mặn năm sau thế nào. Nhớ lại đợt nước mặn hồi tháng 9 vừa qua, lục bình chết sạch khiến người dân một phen lao đao, vất vả, họ không biết dựa vào đâu để làm kế sinh nhai, nhiều người đành phải bỏ quê lên thành phố làm ăn. Cô Huỳnh Thị Nương, ở ấp 4, ngồi trầm ngâm: “Nghe trên đài thông báo chừng đâu tháng Giêng này nước mặn về rồi, người dân ở đây ai cũng thấy lo hết. Do đó hiện giờ chúng tôi đang tranh thủ cắt lục bình cho nhiều, được bao nhiêu thì được. Có đám chưa đến tháng cũng cắt luôn chứ đợi đến tháng Giêng thì chắc là bỏ trắng…”. Một câu nói bỏ lửng nghe cũng hơi buồn, mới thấy lục bình đã gắn bó lắm với người và đất nơi đây, chợt nghe chú Hai, ở ấp 4 ngồi bên hiên ca lên bài vọng cổ mở đầu: “Thương lắm lục bình ơi!”. Bài, ảnh: GIA KHÁNH |