Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định, trong thời gian qua quan hệ hợp tác giữa hai nước gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Về lĩnh vực tài chính, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Hungary tới Việt Nam trong năm 2017, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Hungary đã phối hợp nghiên cứu để tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tài chính.
Thứ trưởng cũng cho biết, thời gian qua Hungary đã hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi trong việc triển khai một số dự án. Đây là cơ hội để hai bên trao đổi những vấn đề cần quan tâm.
Đề cập tới hiệp định khung hợp tác tài chính trị giá 440 triệu EUR mà Hungary hỗ trợ, ông István Joó khẳng định, đây là khoản tín dụng hỗ trợ ràng buộc lớn nhất mà Hungary dành cho Việt Nam. Điều này cho thấy Chính phủ Hungary rất coi trọng tới quan hệ kinh tế với Việt Nam. Ông khẳng định, các doanh nghiệp của Hungary thực hiện các dự án trong khoản tín dụng 440 triệu EUR đều ý thức rõ phải thực hiện có chất lượng, ứng dụng công nghệ hiện đại, coi như họ phục vụ công dân Hungary.
Đánh giá cao việc hỗ trợ của Hungary trong triển khai các dự án tại Việt Nam, để hợp tác đầu tư được triển khai thuận lợi, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị, phía Hungary nên có sự phân kỳ đầu tư và tài trợ vốn, bởi nếu các dự án đều ký kết trong một năm thì khó có thể thực hiện được.
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: Đức Minh |
Trước ý kiến về quản lý vốn ODA thận trọng của Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, hiện nay nợ công của Việt Nam trong khoảng 62% - 63% GDP. Trong khi đó trần nợ công được Quốc hội quy định là 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, cho nên Chính phủ Việt Nam hạn chế vay nợ, kiểm soát vay nợ để đảm bảo an toàn nợ công.
Cũng tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, hiện Việt Nam đã tốt nghiệp IDA nên phải vay các nguồn vốn khác với lãi suất cao hơn vốn IDA. Nguồn vốn 440 triệu EUR là khoản vốn có lãi suất khá ưu đãi, tuy nhiên khi thực hiện các dự án sẽ phải sử dụng hàng hóa xuất xứ từ Hungary, nên khoản vay này được xếp vào loại tín dụng có ràng buộc. Đánh giá cao việc Chính phủ Hungary sẽ giảm tỷ lệ xuất xứ hàng hóa từ 50% xuống khoảng 25% trong thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn, các dự án sử dụng vốn vay liên quan tới khoản tín dụng 440 triệu EUR cũng được thực hiện theo cơ chế này.
Đề cập tới việc cho vay lại chính quyền địa phương, Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ, lâu nay chính quyền địa phương sử dụng vốn cấp phát từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. Và hiện nay, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là chính quyền địa phương vay lại một phần trong nguồn vốn vay nhằm tăng trách nhiệm trong việc trả nợ. Điều này phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý nợ công năm 2017. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị phía Hungary ủng hộ chủ trương, quan điểm này khi đàm phán, làm việc với các địa phương ở Việt Nam.
Đức Minh