(CMO) Họ là những nghệ sĩ nhiếp ảnh, cầm máy qua nhiều thập kỷ. Cho dù thời gian có là kẻ thù với con người, nó khiến đôi mắt không còn tinh anh, đôi chân không còn nhanh nhẹn, nhưng trong lòng họ, ngọn lửa đam mê chưa bao giờ nguội lạnh.
Với một người đam mê nhiếp ảnh, ngoài việc tạo ra các tác phẩm đẹp thì những chuyến rong ruổi đây đó để sáng tác là điều không thể thiếu. Đam mê đã thấm vào máu, tạo thành động lực giúp họ vượt qua ngưỡng cửa của thời gian, đôi chân chưa bao giờ cảm thấy mỏi khi tìm kiếm những cái đẹp cho đời.
Tác phẩm "Đường nét tạo hoá". Ảnh: ĐỖ THUỲ MAI
“Đến với nhiếp ảnh lúc đầu chỉ nghĩ mình chụp ảnh để phục vụ nghề báo, nhưng dần dà về sau, bản thân đặt ra những yêu cầu trong một bức ảnh phải hoàn thiện hơn. Cứ vậy, tình yêu với nhiếp ảnh thấm vào lòng lúc nào không biết. Kể từ khi đoạt giải ảnh nghệ thuật của tỉnh năm 1995 đến nay, niềm đam mê nhiếp ảnh luôn thôi thúc tôi không ngừng sáng tác. Cũng chính vì điều đó mà những rào cản thời gian cũng như những gian nan trên đường đi tìm một bức ảnh hoàn mỹ tôi đều vượt qua”, NSNA Đỗ Thuỳ Mai chia sẻ.
Một bức ảnh hoàn hảo ngoài bố cục, ánh sáng, nội dung…, yếu tố quan trọng nhất để tạo nên dấu ấn chính là khoảnh khắc. Nhưng để "bắt" được khoảnh khắc vàng, nhiếp ảnh gia cần có sự dày dặn kinh nghiệm và trải qua sự tôi luyện theo thời gian. Họ có thể nhanh chóng xoay xở để bắt khoảnh khắc, nhưng không phải lúc nào khoảnh khắc cũng đến, nên sự may mắn cũng là một yếu tố vô cùng trong nghệ thuật nhiếp ảnh.
NSNA Đỗ Thuỳ Mai trải lòng: “Có những chuyến đi, tôi khởi hành từ Cà Mau lúc 5 giờ sáng và đến chạng vạng mới trở về. Tôi dành cả một ngày ròng để nắm bắt thời khắc của ánh sáng, khoảnh khắc của sự việc. Đôi khi bản thân mình lên ý tưởng cho bức ảnh sẵn trong đầu, tìm kiếm được một điểm thích hợp, nhưng yếu tố may mắn không đến nên phải ngược xuôi đến tận 5-7 ngày để thực hiện, chỉ đến khi nào ưng ý mới thôi”.
Tuỳ theo sở thích khác nhau, các nhiếp ảnh gia lựa chọn cho mình một phong cách riêng. Nhưng dù ở bất kỳ một thể loại, đề tài nào, điều quan trọng nhất đối với những nhiếp ảnh gia là bức ảnh đó phải có được nội dung và ý nghĩa nhất định.
“Tôi yêu quê hương Cà Mau, luôn muốn gửi đến người xem những bức ảnh đẹp về phong cảnh đẹp về các địa danh, thắng cảnh của quê hương, đặc biệt là hình ảnh về mũi đất Cà Mau. Hằng năm, tôi dành rất nhiều thời gian đến xã Đất Mũi để chụp những bức ảnh về vùng đất cuối trời Tổ quốc, nhất là đoạn rừng ngập mặn nằm trên bãi đất đang bồi. Hình ảnh đó tạo cho tôi cảm giác một sức sống mãnh liệt”, NSNA Trương Hoàng Thêm, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội NSNA Việt Nam, nói về tình yêu quê hương Cà Mau của ông, thể hiện qua những bức ảnh tại Mũi Cà Mau.
Để thoả lòng trên con đường sáng tác ảnh, nhiếp ảnh gia phải trải qua không ít khó khăn, vất vả. Có khi đi chụp ban đêm, lúc thì chưa hừng sáng, trời nắng gắt, trời mưa dông, trên vai đồ nghề tác nghiệp nặng trĩu nhưng họ vẫn hăng say. Họ tự nhủ, chỉ cần còn sức thì còn tiếp tục gắn bó, cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh.
“Nghệ thuật là cái vô cùng, con đường đi tìm cái đẹp qua ảnh nghệ thuật không bao giờ tìm được cái tuyệt đối. Cho nên, đến khi gần đất xa trời vẫn tiếp tục đi tìm. Có những nghệ sĩ, dù lớn tuổi như NSNA Võ An Khánh hay nhiều NSNA lớn tuổi khác trong làng nhiếp ảnh Việt Nam vẫn cầm máy ảnh đi chụp. Bởi sự đam mê đã gắn kết nhiếp ảnh với người nghệ sĩ như một tri kỷ. Đó chính là động lực rất lớn của nghề nhiếp ảnh”, NSNA Tạ Hoàng Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Cà Mau nhận định./.