TS. Trần Toàn Thắng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực vào ngày 14/1 tới. Xin cho biết đánh giá của ông về tác động của Hiệp định CPTPP đối với kinh tế Việt Nam?roomreal madrid nữ
Theo tôi, việc Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Việt Nam sẽ là người được hưởng lợi Hiệp định này, đặc biệt về kinh tế. Chúng ta sẽ được cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và các thị trường Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại như Canada, Mexico, và Peru …
Hiệp định CPTTP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. CPTPP là hiệp định mở, trong tương lai có thể có thêm một số thành viên khác ví dụ Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được một thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Nhìn chung về tổng thể CPTPP thực thi là có lợi cho Việt Nam. Chúng tôi dự báo tác động của CPTPP với Việt Nam vào khoảng 1,3% GDP. Nếu có những mở cửa lớn hơn về dịch vụ, thì mức tăng trưởng GDP tăng thêm có thể lên tới 2,1%.
Những con số này chưa tính đến tác động từ đầu tư cũng như từ sức ép cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước. Đánh giá chung cho thấy lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ chỉ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỉ USD trong trung hạn. Trong đó, một số nước có thể hưởng lợi nhiều hơn. Malaysia sẽ có thể có được nhiều lợi ích nhất (bằng 2% GDP), theo sau là Việt Nam và Brunei dao động khoảng 1.3- 1,5% GDP…
Bắt đầu được thực thi từ 2019, hiệp định này sẽ đem lại kỳ vọng gì cho kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Năm 2019 là năm đầu tiên thực thi CPTPP. Một số nhóm hàng sẽ bắt đầu có thuế quan bằng 0, một số nhóm bắt đầu lộ trình cắt giảm dài hơn. Tuy nhiên điều đáng nói là sự kỳ vọng. Nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng kỳ vọng vào triển vọng kinh tế tốt hơn ở Việt Nam, DN nội địa thì cũng kỳ vọng vào tăng trưởng trong nước tăng thì sẽ kéo theo cầu về hàng hoá tăng. Vì thế, việc kỳ vọng tăng sẽ kéo theo đầu tư tăng, theo đó có thể tạo ra những tiềm năng tốt, mở ra “room” rất lớn cho tăng trưởng trong năm 2019.
Về xuất nhập khẩu, trong dự báo của NCIF thì xuất khẩu tăng khoảng 4%, nhập khẩu khoảng dưới 3,8% tăng thêm. Có thể quan sát thấy năm 2018 thặng dư thương mại tăng đột biến ngoài những tác động từ các sự kiện khác (ví dụ Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung), đây cũng là một biểu hiện cho thấy tác động do kỳ vọng triển vọng tích cực về mặt vĩ mô. Triển vọng này sẽ tạo thuận lợi cho ổn định các chỉ số vĩ mô khác, bao gồm dự trữ ngoại hối, khả năng kiểm soát về tỷ giá…
Theo đánh giá của ông, ngành nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất và ngành nào sẽ chịu nhiều sức ép nhất từ CPTPP?
Kết quả tính toán của chúng tôi cũng cho thấy trong CPTPP, dệt may và da giày là những ngành được đánh giá là có mức hưởng lợi cao nhất. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may tăng thêm là từ 8,3-10,8% nhờ sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và EU.
Hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động vẫn được hưởng lợi từ CPTPP. Hiệp định có thể tạo thêm mức tăng trưởng cho nhóm ngành này từ 4-5%, và mức tăng xuất khẩu có thể đạt thêm từ 8,7-9,6%.
Ở chiều ngược lại, do tác động của CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm, và dịch vụ bảo hiểm. Ngành chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều từ CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu. Trong nông nghiệp, trừ mặt hàng gạo, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao, vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm giảm đi ở mức 0,37%-0,52%. Tuy nhiên, vẫn giúp xuất khẩu tăng thêm thêm được 2,18% đến 2,35%.
DN nội cần phải làm gì để sẵn sàng cho cuộc chơi với CPTTP, thưa ông?
Khi có hiệu lực, CPTPP sẽ tạo ra cạnh tranh quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia. Vì vậy, DN phải chủ động tìm hiểu thông tin chi tiết về CPTPP để tận dụng và so sánh lợi thế với các FTA khác. DN FDI thì rất tích cực tìm hiểu thông tin, tuy nhiên DN trong nước lại không có thói quen cập nhật thông tin mới. Vậy, có tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc vào chính bản thân DN.
Ngoài ra, rủi ro từ CPTPP đối với DN Việt Nam là việc không tận dụng được các cơ hội về XK thì DN sẽ chịu tác động tiêu cực về sản xuất trong nước: cạnh tranh với DN FDI về lao động, mặt bằng chung của DN Việt vẫn còn thấp, sức cạnh tranh yếu. Ngoài ra, trong thời gian đầu, việc thu nộp ngân sách DN nội sẽ chịu nhiều sức ép hơn khi thu thuế NK giảm.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu ứng “bát mỳ” có thể xảy ra khi có quá nhiều các FTA đan xen giữa các quốc gia làm giảm lợi ích thu được từ một FTA. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng mức thuế ưu đãi thông qua FTA tại các quốc gia châu Á là khá thấp (trung bình 4 DN mới có 1 DN sử dụng được, ở Việt Nam là khoảng 37%) do quy mô DN nhỏ, cũng như thông tin giúp DN tiếp cận FTA chưa được thực hiện tốt. Việt Nam cần có một chiến lược tốt khắc phục điều này, CPTPP mới thực sự phát huy tác dụng.
Trân trọng cảm ơn ông! |