Trong vòng tái đàm phán thứ ba tại Ottawa (Canada) 3 tuần trước, tuy vẫn còn không ít bất đồng, nhưng ba bên đã đạt được kết quả khả quan trong một số lĩnh vực. Vòng 4 lần này, khả năng Mỹ sẽ đề cập đến một số vấn đề đang gây nhiều tranh cãi như về hệ thống quản lý nguồn cung, chính sách định giá mới đối với sữa bò và sản phẩm từ sữa của Canada, vấn đề mua sắm công - vốn đã được trao đổi bước đầu tại vòng 3, vấn đề phụ tùng ô tô, hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại và xem xét lại hiệp định 5 năm một lần. Danh mục sữa đã được đưa ra khỏi các điều khoản của NAFTA vào năm 1994, nhưng hệ thống quản lý nguồn cung khiến lượng sữa có thể được nhập khẩu hạn chế vào Canada trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa Canada và Mỹ. Phát biểu tại một hội thảo về thương mại tại Washington (Mỹ) hồi tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết có khả năng Washington sẽ đưa ra một yêu cầu cụ thể đối với Canada để tiếp cận nhiều hơn thị trường sữa và gia cầm nước này. Cáo buộc Canada bán phá giá các sản phẩm sữa (nhất là sữa non dùng làm phomat) ra thị trường thế giới, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các nông dân sản xuất sữa ở bang Wisconsin của Mỹ và một số bang vùng biên khác, Tổng thống Trump từng tuyên bố Washington "sẽ không chấp nhận điều này" và sẽ loại bỏ hệ thống quản lý nguồn cung "không công bằng" trong ngành công nghiệp sữa của Canada, giúp các nông dân sản xuất sữa của Mỹ khôi phục hoạt động xuất khẩu sang thị trường này. Trong khi đó, trong vấn đề mua sắm công, Washington lại muốn hạn chế khả năng Mexico và Canada có được hợp đồng mua sắm công ở Mỹ, ngược lại, các công ty Mỹ sẽ được tiếp cận nhiều hơn các dự án của chính phủ Mexico và Canada. Đây không phải là những đề xuất mà Canada hay Mexico có thể chấp nhận. Trong một diễn biến khác, ngay khi diễn ra vòng 3 tái đàm phán NAFTA, hôm 26/9, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết áp thuế đối kháng 220% đối với máy bay thương mại CSeries của Bombardier và hôm 4/10 tiếp tục áp mức thuế chống bán phá giá lên đến 80%. Động thái này cho thấy Mỹ muốn loại bỏ một tính năng của NAFTA liên quan tới giải quyết tranh chấp được gọi là "Chương 19", điều cho phép Washington áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của Canada và Mexico. Đây là vấn đề mà Canada kiên quyết phản đối. Ông Peter Clark, một nhà chiến lược thương mại quốc tế của Canada đã từng tham gia các cuộc đàm phán NAFTA và thương mại tự do Canada-Mỹ trước đây, cho biết cách thức mà Mỹ tìm kiếm dường như tạo thêm các rào cản trong đàm phán. Ông Clark gọi đó là một "chiến thuật được thiết kế để đảm bảo sự thất bại", đồng thời cho rằng kết quả vòng 4 tái đàm phán này ít có hy vọng đạt được điều mong đợi. Còn theo cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và là Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông Robert Zoellick, cách tiếp cận của ông Donald Trump đưa đến một “nguy cơ nghiêm trọng” làm tan rã NAFTA. Theo ông Zoellick, Canada không thể lùi bước trước yêu cầu của Tổng thống Trump để bãi bỏ các điều khoản giải quyết tranh chấp trong "Chương 19". "Người Canada đổ máu để thực hiện điều này", ông Zoellick nhớ lại sự cứng rắn của Canada đấu tranh giữ các điều khoản giải quyết tranh chấp trong Hiệp định Thương mại tự do Canada-Mỹ ban đầu, tiền thân của NAFTA, "đó là một ấn tượng rất lớn trong tâm trí tôi khiến tôi tin rằng bất kỳ Chính phủ Canada nào cũng không thể bỏ đi điều khoản trong Chương 19". |