Thị trường đầy sôi động Với dân số đông cùng môi trường chính trị ổn định và những đổi mới về thể chế nhằm tạo điền kiện thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam luôn được đánh giá tích cực là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư tiếp tục phát triển, mở rộng hơn nữa hệ thống bán lẻ và lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng. Theo báo cáo M&A 2014 và triển vọng 2015-2016 của nhóm nghiên cứu MAF, những thương vụ năm 2014 có sự nổi bật với làn sóng mạnh đến từ các tập đoàn hàng đầu Thái Lan và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực bán lẻ. Tiêu biểu như thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) mua lại và tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam hay một công ty trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group đã mua lại 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ngoài Thái Lan, lĩnh vực bán lẻ trong thời gian qua còn ghi nhận nhiều thương vụ của các DN đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay của chính các công ty trong nước. Ví dụ như Tập đoàn Vingroup mua lại chuỗi siêu thị Ocean Mart và đổi tên thành Vinmart, và gần đây nhất, vào tháng 3-2015, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã nắm quyền điều hành tổ hợp thương xá, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp có vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM là tòa cao ốc Diamond Plaza… Chỉ kém sôi động hơn một chút so với bán lẻ, M&A lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng có nhiều thương vụ gây chú ý. Điển hình nhất là thương vụ có giá trị lên đến 370 triệu USD giữa Công ty Cổ phần Kinh Đô và Tập đoàn Mondelēz International (Hoa Kỳ) trong mảng sản xuất, kinh doanh bánh kẹo. Một thương vụ khác là Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) bán lại cổ phần chi phối cho Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Daiwa PI Partners – nhà đầu tư tài chính hàng đầu Nhật Bản với tổng giá trị khoảng 45 triệu USD nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các ông lớn khác trong ngành sữa. Tiếp tục tăng trưởng Dự báo thị trường M&A tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2018 có thể tăng lên đến 20 tỷ USD. Chính vì thế, mặc dù M&A trong lĩnh vực bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng thời gian qua đã có nhiều thương vụ giá trị lớn, nhưng cùng với việc Việt Nam đẩy mạnh ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) thì M&A trong các lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ càng sôi động. Nói về vấn đề này, theo Luật sư Đặng Chi Liêu (luật sư chuyên tư vấn về luật DN, lĩnh vực M&A), Công ty luật Baker & McKenzie, bán lẻ và hàng tiêu dùng vẫn sẽ trên đà gia tăng và tiếp tục xu hướng dẫn đầu thị trường. Đặc biệt, sự mong chờ đáng chú ý nhất cho hoạt động M&A trong những năm sắp tới là từ những bộ luật và chính sách mới của Nhà nước trong đó có Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room (tỷ lệ sở hữu) đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng rất có thể sẽ đạt được “đỉnh” về số lượng cũng như giá trị thương vụ. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho hay, lĩnh vực dẫn dắt thị trường M&A vẫn là ngành bán lẻ bởi đây là lĩnh vực đầu tư có điều kiện nên tỷ lệ nới room đã được tăng lên. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận thấy sự thay đổi cơ bản trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, đặc biệt, với số đông dân số trẻ thì lĩnh vực tiêu dùng, mua sắm, du lịch, nhà hàng sẽ tăng rất cao. Trong đánh giá chung về xu hướng đầu tư và M&A của các DN Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành, phụ trách thị trường Việt Nam, Công ty Recof (công ty tư vấn độc lập chuyên về M&A của Nhật Bản) đã nhận định, bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng cá nhân (tài chính tiêu dùng), du lịch, tiêu dùng nhanh, thương mại điện tử và logistics là những lĩnh vực đáng chú ý nhất. Hơn nữa, vị này còn cho biết, việc đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các DN Nhật Bản vẫn sẽ vượt qua để thực hiện thành công các thương vụ M&A trong thời gian tới. Để giúp hoạt động M&A đạt hiệu quả cao, theo nhiều chuyên gia, Nhà nước cần triển khai sớm danh mục đầu tư có điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài để biết lĩnh vực nào được nới room, lĩnh vực đầu tư nào là có điều kiện nhằm bổ sung cho Nghị định 60/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khi M&A vào Việt Nam rất mong chờ sự minh bạch của các cơ quan Nhà nước trong quá trình phê duyệt hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký để DN có thể hoàn tất giao dịch một cách chắc chắn. |