Cần hệ sinh thái để thúc đẩy kinh tế xanh Hàng hóa không bền vững sẽ kém cạnh tranh trên thị trường EU TPHCM lắng nghe 100 CEO quốc tế “hiến kế” về mô hình kinh tế xanh |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng các đại biểu dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn Kinh tế xanh 2023. Ảnh: VGP |
Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Xanh (GEF) 2023 với chủ đề "Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh".
GEF 2023 được tổ chức chỉ một tháng trước Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP28) năm 2023, diễn đàn được thiết kế để thúc đẩy sự hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, cũng như định hướng tính bền vững của Việt Nam phù hợp với các cam kết về khí hậu.
Tại diễn đàn, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho biết, bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Vì thế, những doanh nghiệp thích ứng được sẽ tự khẳng định mình là người dẫn đầu thị trường. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng những thay đổi này là cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước.
Lãnh đạo EuroCham khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh. Nhưng vấn đề này đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ, đặc biệt là để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, triển khai công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy môi trường kinh doanh đổi mới sáng tạo.
Cũng tại diễn đàn, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá rất cao những thành tựu phát triển và tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, tuần hoàn, công nghệ cao. Vì thế, Việt Nam cần hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo…
Phát biểu tại phiên toàn thể cấp cao của GEF 2023, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận định, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam và 60% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đi qua cửa ngõ cảng Rotterdam của Hà Lan. Tuy nhiên, cả hai nước đều đang đối mặt những thách thức về môi trường, đòi hỏi sự chung tay của các bên, nhất là sự đóng góp của cộng đồng doanh nhiệp.
Vì thế, Thủ tướng Hà Lan lưu ý các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung ứng cần phải tuân thủ các quy định mới của EU về sản xuất bền vững. Thủ tướng Mark Rutte đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này. Để qua đó, hai quốc gia cùng trở thành "rồng xanh", tận dụng mọi cơ hội mới đang diễn ra.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, GEF 2023 tiếp tục khẳng định quyết tâm và sự ủng hộ của EU với sự phát triển xanh của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam và EU đang rất tốt đẹp, đạt nhiều bước tiến lớn về hợp tác trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - EU phục hồi và tăng trưởng tốt bất chấp khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác tin cậy, quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của mình.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài. Đơn cử, nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương đã mở ra xu hướng đầu tư xanh tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhìn nhận thực tế, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nên Thủ tướng chia sẻ mong muốn EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu có tiếng nói thúc đẩy các nước EU tiếp tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ vàng IUU với Việt Nam…