【kq u23 uc】Dư nợ vốn chính sách bình quân 25 triệu đồng/hộ

Báo Cà Mau(CMO) Năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhưng với tinh thần đoàn kết cùng nhiều nỗ lực, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Cà Mau được Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021.

Đến cuối năm 2021, hệ thống NHCSXH trong tỉnh đã giải ngân cho 28.610 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền trên 759,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến ngày 31/12/2021 là 3.073,7 tỷ đồng, tăng 280,5 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,99% kế hoạch năm, với 123.003 hộ còn dư nợ, bình quân là 25 triệu đồng/hộ, tăng 2,4 triệu đồng so với đầu năm; bình quân dư nợ là 30,4 tỷ đồng/xã, phường, thị trấn, tăng 2,8 tỷ đồng so với đầu năm.

Riêng ngân sách tỉnh, trong năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện được UBND tỉnh, huyện bổ sung nguồn ngân sách địa phương qua NHCSXH ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 44 tỷ đồng. Nâng tổng nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay là 177,9 tỷ đồng. Năm qua, đã cho 1.556 lao động vay vốn để giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền trên 48,6 tỷ đồng và 33 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng với số tiền 1,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, còn 4/15 chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết năm 2021 của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, gồm: tỷ lệ hộ tham gia gửi tiền qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đều hàng tháng, tỷ lệ Tổ TK&VV yếu, chất lượng hoạt động Tổ TK&VV và tỷ lệ giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch xã.

Tại cuộc họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh năm 2021 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2022, vào chiều ngày 17/1, các thành viên cùng nhau trao đổi nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cũng như tìm giải pháp để người lao động ngoài tỉnh về địa phương tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với các thành viên Ban đại diện.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, bà Trần Thị Kiều Yến đề nghị xem xét bổ sung thành phần, đối tượng vay... vì hiện nay Hội LHPN và Đoàn Thanh niên đang triển khai đề án hỗ trợ phụ nữ, đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, nhưng rất khó khăn về nguồn vốn. Kiến nghị bổ sung đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho họ khởi nghiệp thành công.

Theo ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thì sau khi người lao động trở về địa phương nhiều, Sở đã rà soát, hiện còn khoảng 5.000 lao động có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế tại gia đình, với tổng nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thanh thông tin, đối với 5.000 lao động có nhu cầu vay vốn, NHCSXH tỉnh đã báo cáo Trung ương. Tuy nhiên, theo ông Thanh, ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách, rất cần nguồn vốn từ địa phương.

Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, ghi nhận, hoạt động của NHCSXH tỉnh có chiều hướng tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch tỉnh cũng lưu ý, năm qua còn 4 chỉ tiêu chưa đạt, đề nghị NHCSXH tỉnh rà soát, đánh giá lại các tổ TK&VV, mối quan hệ giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể trong việc nhận ủy thác. Các hội, đoàn thể cần theo dõi sát đời sống của hội viên để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, đồng thời nhân rộng những mô hình hiệu quả. “Đừng trông đợi quá nhiều từ nguồn vốn tín dụng chính sách, mà có thể kết hợp thêm nhiều nguồn lực khác nhằm tạo điều kiện cho hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”, Phó chủ tịch tỉnh gợi mở.

Nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Với mục tiêu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn được thụ hưởng chính sách, thời gian tới NHCSXH tỉnh tập trung rà soát những hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh chưa được vay để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của hộ vay. Đồng thời, thực hiện tốt các chỉ tiêu Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng năm 2022.

Theo đó, kiến nghị Tổng giám đốc NHCSXH xem xét bổ sung thêm nguồn vốn các chương trình có nhu cầu vay vốn lớn và mang lại hiệu quả cao tại địa phương, như: chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, để giải quyết bớt những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời, xem xét cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau tuyển dụng thêm cán bộ để tiếp tục thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng./.

 

Hồng Phượng

 

Ngoại Hạng Anh
上一篇:Luật Doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc sống
下一篇:​Tấn công mạng có thể tiếp diễn, website VN cần chủ động