Áp lực lạm phát đè nặng các ngân hàng trung ương châu Á | |
Nga nêu quan điểm về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu | |
Nhiều quốc gia EU sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng |
Đồng yen và NDT giảm mạnh so với đồng USD |
Ông Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho biết: “Đồng NDT và đồng yen là những mỏ neo lớn, và sự yếu đi của hai đồng tiền này có nguy cơ gây bất ổn cho thương mại và đầu tư ở châu Á. Chúng ta đang hướng tới mức độ căng thẳng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở một số khía cạnh, tiếp theo sẽ là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nếu tổn thất ngày càng sâu rộng".
Trung Quốc và Nhật Bản là hai nền kinh tế có sức ảnh hưởng lớn ở châu Á và các mối quan hệ thương mại liên quan. Theo tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, nước này là đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia Đông Nam Á trong 13 năm liên tiếp. Trong khi đó, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là nước xuất khẩu vốn và tín dụng lớn của khu vực.
Sự suy yếu đồng tiền của hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện nếu các quỹ ở nước ngoài rút dòng tiền ra khỏi châu Á, dẫn đến sự thất thoát vốn khổng lồ. Ngoài ra, sự sụt giảm giá trị đồng tiền có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn của các biện pháp phá giá đồng nội tệ để cạnh tranh, cũng như khiến nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng trở nên ảm đạm.
Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng DBS (Singapore), cho biết: “Rủi ro tiền tệ là mối đe dọa lớn hơn đối với các quốc gia châu Á so với lãi suất. Tất cả châu Á đều là các nhà xuất khẩu và có thể sẽ lại chứng kiến viễn cảnh lặp lại (khủng hoảng tài chính) của năm 1997 hoặc 1998 mà không có thiệt hại lớn về tài sản thế chấp”.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản thậm chí còn rõ rệt hơn trên thị trường tài chính. Theo phân tích của bộ phận quản lý đầu tư thuộc công ty quản lý tài sản BNY Mellon, đồng NDT chiếm hơn 1/4 tỷ trọng của các chỉ số tiền tệ châu Á. Đồng yen được giao dịch nhiều thứ ba trên toàn cầu, do đó sự suy yếu của đồng tiền Nhật Bản đã có tác động lớn đến các đồng tiền châu Á khác.
Khi đồng bạc xanh tăng giá, hiệu ứng tiêu cực lan tỏa đến tất cả các đồng tiền châu Á. Đồng yen đã giảm xuống mức 145 đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ vào ngày 22/9, sau khi sự phân hóa chính sách tiền tệ Mỹ-Nhật ngày càng gia tăng khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp thứ 5 liên tiếp vào ngày 21/9. Đồng yen đã hồi phục sau khi các nhà chức trách Nhật Bản thông báo sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, đây được xem là biện pháp bất đắc dĩ để làm chậm lại đà giảm của đồng yen so với USD.
Trong khi đó, đồng NDT đã giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng là 7 NDT đổi 1 USD vào đầu tháng 9, với sức ép từ lập trường thắt chặt lãi suất của Fed và kinh tế tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc do chính sách "Zero COVID" và cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản.