当前位置:首页 > Thể thao

【tt bóng đá việt nam hôm nay】Bài 2: Bài trừ văn hóa bẩn – tôi, chúng ta đều phải chung tay

Bài 1: Nhận diện “văn hóa bẩn”
Bài 2: Bài trừ văn hóa bẩn – tôi, chúng ta đều phải chung tay
Cần có sự điều hướng cho mạng xã hội trở nên trong lành, tích cực hơn. Ảnh minh họa.

Thanh lọc môi trường văn hóa

Để làm sạch môi trường văn hóa, bài trừ văn hóa độc hại hay nói cách khác là “quét rác văn hóa”, trước hết cần có những chế tài phù hợp và đủ sức răn đe. Thực tế nảy sinh các loại rác văn hóa muôn hình vạn trạng, nếu chế tài pháp luật chậm chân, không theo kịp thực tế hoặc chế tài chưa đủ mạnh sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

Lấy ví dụ, chẳng hạn như với những clip cắt ghép, sai sự thật hoặc nhảm nhí đưa lên mạng, thường chỉ chịu mức phạt tiền khoảng 7 triệu đồng. Xác định danh tính để xử phạt thì khó khăn mà mức phạt lại không đủ sức răn đe người vi phạm, bởi các “nhà sáng tạo nội dung” này thu được rất nhiều tiền qua kênh của họ, trong khi hậu quả hành vi này có thể gây ảnh hưởng xấu đến rất nhiều người.

Chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực liên quan tới giới nghệ sĩ trên mạng xã hội

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.

Tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai phạm…

Chính bởi vậy, thời gian qua hàng loạt chủ nhân của các kênh YouTube có nội dung phản văn hóa, phản giáo dục đã bị cơ quan chức năng xử phạt, thế nhưng ngay sau đó, không ít cá nhân lại tìm cách mở kênh mới. Tin giả, tin rác, clip nhảm nhí cổ súy cho những thói hư tật xấu vẫn không ngừng xuất hiện trên không gian mạng. Thậm chí, một số nghệ sỹ cũng tham gia vào “ngành sản xuất tin giả” này, chỉ vì lợi nhuận khủng họ thu được qua quảng cáo. Đáng buồn là đôi khi, ngay cả một số phóng viên báo chí cũng bị cuốn theo trend mạng xã hội, viết các tin bài “ăn theo”, xoáy sâu vào các vụ án rùng rợn bạo lực hay đời tư của các nghệ sỹ điều tiếng nhằm mục đích câu view, câu like cho tin bài của mình.

Mạng xã hội là một phần của đời sống hiện đại, bên cạnh mặt tiêu cực của nó mà chúng ta vừa phân tích, mạng xã hội cũng có những ưu điểm của nó, khi trở thành nơi truyền thụ rất nhiều kỹ năng, kiến thức… Do đó, không thể dùng mệnh lệnh hành chính theo kiểu “không quản được thì cấm”, mà cần có sự điều hướng cho mạng xã hội trở nên trong lành, tích cực hơn nữa. Ngoài việc sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp, chế tài liên quan đến lĩnh vực văn hóa, điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và sự chung tay của những người làm văn hóa, những nhà quản lý lĩnh vực văn hóa và toàn xã hội. Đồng thời, thay vì để mạng ảnh hưởng đến mình thì thay đổi làm sạch nó. Người sử dụng mạng xã hội không cổ súy, không theo dõi và không chia sẻ những livestream, clip có nội dung xấu, độc… sẽ góp phần hạn chế tiêu cực của mạng xã hội.

Khơi dòng chủ lưu mạnh mẽ

Văn hóa từ lâu đã trở thành một thứ “quyền lực mềm” của quốc gia. Để quốc gia cường thịnh không thể coi nhẹ việc phát triển văn hóa, và trong vô vàn các công việc để xây dựng, phát triển nền văn hóa thì việc nuôi dưỡng dòng văn hóa chủ lưu luôn phải chú trọng. Dòng văn hóa chủ lưu này phải đảm bảo tính chất “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nghĩa là kết hợp truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.

Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến “dòng chủ lưu” trong xu thế phát triển đa dạng của văn hoá hôm nay: “Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội”. Đây là một nhiệm vụ thật sự cần thiết và cũng vô cùng khó khăn trong bối cảnh văn hóa đương thời.

Để có được một dòng chủ lưu văn hóa đủ lớn mạnh, cũng trong bài phát biểu này, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa”. Đầu tư ngân sách để phát triển nền văn hóa toàn diện, cải cách đổi mới thể chế để thu hút nguồn lực xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, làm cho văn hóa có những bước phát triển nhảy vọt, hình thành ngành công nghiệp văn hóa…

Muốn thực hiện thành công những kỳ vọng đó, cần có sự chuyển biến sâu sắc từ trong nhận thức đến hành động, sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Rất nhiều việc đã và đang được triển khai trong công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà, trong đó một điều rất quan trọng có tác động lâu dài và quyết định là chú trọng giáo dục về đạo đức, văn hóa trong gia đình, nhà trường và nâng cao dân trí trong cộng đồng, xã hội. Từ gốc rễ ấy, những tinh túy sẽ được chắt lọc, thẩm thấu để làm lớn mạnh dòng chủ lưu và làm sạch những rong rêu, rác rến.

Bài 2: Bài trừ văn hóa bẩn – tôi, chúng ta đều phải chung tay
Cần có sự quan tâm kiểm tra, hướng dẫn của các bậc phụ huynh khi trẻ em sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Văn Chung

Tuy nhiên, giới trẻ - tương lai của đất nước gần đây lại “ngó lơ” với những sản phẩm trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước. Cụ thể là thanh thiếu niên không còn ham xem tivi hoặc nghe đài phát thanh nữa mà họ cho rằng có thể biết tất cả mọi thứ từ mạng xã hội, qua chiếc smartphone. Truyền hình và phát thanh chỉ còn giữ được nhóm khán thính giả trung niên và người cao tuổi. Vậy phải làm sao đây để “giữ chân” được nhóm khán thính giả trẻ?

Trước hết, cần đổi mới những món ăn tinh thần phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính, đưa công nghệ số vào làm sinh động, phong phú cho các sản phẩm văn hóa văn nghệ đăng phát trên hệ thống truyền thông chính thống, tăng sức thu hút hấp dẫn người xem. Đặc biệt là nâng cao nội dung cho các chương trình truyền hình thực tế, trở thành nơi tôn vinh những con người năng động sáng tạo của đời sống thực, đặc biệt là giới trẻ, chứ không phải là sân chơi cho các idol mạng hay một số ít nghệ sĩ quen mặt để tung hứng nhau lên hết kênh này đến kênh khác, trở nên quá nhàm chán...

Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, cần có các mạng xã hội do người Việt sáng lập. Ông khẳng định, “mạng xã hội do người Việt sáng lập hoàn toàn có cơ hội phát triển, trở thành hệ sinh thái bổ sung. Điều quan trọng là cần tìm những hướng đi mới, những cửa ngách để phát triển và trụ vững trước cạnh tranh của các “ông lớn” nước ngoài”.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, Thứ trưởng thể hiện rõ quyết tâm làm lành mạnh không gian mạng: “Một trong những cách thức để điều chỉnh là trong thời gian tới, Nhà nước sẽ sắp xếp lại, nắn lại dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng để nó đi vào những nội dung lành mạnh. Các điều chỉnh vĩ mô cũng sẽ được thực hiện bằng những công cụ pháp luật, công cụ kinh tế, dòng tiền để qua đó cho thấy việc làm nội dung tốt không những là trách nhiệm mà còn là quyền lợi”.

Còn các nhà báo chúng ta nên ứng xử như thế nào với vấn đề này? Thay vì chạy theo trend mạng xã hội hay là like dạo, chúng ta cần phải nghiêm túc hơn, buộc phải là bộ lọc thông tin. Hơn thế nữa, trong thời buổi truyền thông xã hội phát triển mạnh ngày nay, các nhà báo cần tham gia vào mạng xã hội một cách chủ động, tích cực, đưa những thông tin chân – thiện – mỹ, bằng những cách thức hấp dẫn, thuyết phục để làm xanh sạch mạng xã hội, xanh sạch môi trường văn hóa.

Phát triển nền văn hóa văn minh, tiến bộ để đảm bảo xã hội phát triển hài hòa

Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004 có đưa ra một loạt quan niệm về văn hóa, trong đó có quan niệm: “Văn hóa là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh”.

Văn hóa vốn là vậy, nó là lĩnh vực tư tưởng chính trị, thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội. Xã hội sẽ phát triển hài hòa khi kiến trúc thượng tầng tác động cùng chiều với cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ sở hạ tầng phát triển và ngược lại.

Như vậy, cùng với việc chú trọng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, trách nhiệm của chúng ta là xây dựng, phát triển nền văn hóa văn minh, tiến bộ để đảm bảo xã hội phát triển hài hòa.

分享到: