【ket qua . net】Quản lý thuế với thương mại điện tử vẫn còn là thách thức
Ngành Thuế đã và đang nỗ lực để quản lý thuế đối với TMĐT
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh TMĐT.
Hiện nay, việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo đúng quy định của các luật về thuế, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành như Luật Quản lý thuế, Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thì doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên thì kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ (với mức thuế suất tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật thuế GTGT); nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo phương pháp kê khai (thuế TNDN phải nộp theo mức thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế).
Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NM. |
Nếu doanh thu hàng năm không quá 1 tỷ đồng thì nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT: Người mua sản phẩm TMĐT là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh thì người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp; hoặc nhà thầu nước ngoài có thể thông qua các đại lý thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Đối với cá nhân, hộ kinh doanh, theo quy định tại Luật Quản lý thuế GTGT, Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) thì cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống, hay kinh doanh TMĐT đều thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN nếu có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên.
Khó khăn trong việc xác định bản chất giao dịch để đánh thuế
Mặc dù ngành Thuế đã rất nỗ lực để hoàn thiện chính sách pháp luật thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, cũng như có các văn bản chỉ đạo từng vụ việc cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ thuế của các tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT, tuy nhiên đại diện Tổng cục Thuế cho biết, việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ hiện nay là rất khó khăn.
“Như hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách qua hợp đồng điện tử là loại hình kinh doanh công nghệ hay hợp đồng điện tử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về mặt pháp lý, mà còn về nghĩa vụ thuế phát sinh tương ứng với từng hình thức giao dịch. Đây là một vấn đề còn tồn tại hai nhóm quan điểm khác nhau, đó là: kinh doanh vận tải taxi công nghệ và kinh doanh vận tải theo hợp đồng” – ông Huy cho biết.
Cam kết đồng hành cùng ngành Thuế trong việc quản lý thuế đối với TMĐT
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến đến từ các tổ chức quốc tế như WB, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN; các bộ ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông... cũng chia sẻ về những giải pháp, cũng như những khó khăn, thách thức trong việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Đặc biệt, các tổ chức quốc tế, đại diện các bộ, ngành cũng cam kết sẽ đồng hành cùng ngành Thuế trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của Việt Nam.
Ngoài ra, việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn nhiều bất cập, nhất là thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube…
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, hiện các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trên các trang mạng đề cập trên có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Một số doanh nghiệp có doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Tuy nhiên chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện việc kê khai và nộp thuế, số còn lại là các nhà thầu nước ngoài, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai và nộp thuế.
Ngoài ra, việc quản lý hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trên website và các trang mạng xã hội cũng rất khó khăn. Trước thực trạng trên, Tổng cục Thuế đã đề xuất nhiều giải pháp để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, như sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về thuế nhằm đảm bảo bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh TMĐT phát sinh tại Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT…
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam cũng đã và đang tham gia tích cực cùng với các nước trong khối Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để có các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động xuyên biên giới, quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, cũng như bổ sung vào hiệp định tránh đánh thuế 2 lần cho phép khấu trừ tại nguồn.../.
Nhật Minh