Theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến ngày 31-12-2011, tổng số tiền thuế nợ trên tổng số thu ngân sách của Cục Thuế TP.HCM là 5,62%. Trong đó nợ khó thu tăng 57,62% chủ yếu ở các khoản nợ của người nộp thuế (NNT) bỏ trốn, mất tích, ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Nợ chờ xử lí giảm 26,41% chủ yếu do phân loại lại thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được giãn nộp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nợ chờ điều chỉnh tăng 111% chủ yếu do sai sót về việc thay đổi tiểu mục thuế nhà thầu theo thông tư 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính và nợ có khả năng thu tăng 29% so với năm 2010 chủ yếu do tình hình khó khăn về tài chính dẫn đến việc NNT cố tình chậm nộp thuế nhất là đối với những NNT có số nợ trên 90 ngày. Những NNT có những khoản thuế lớn bị truy thu qua các đợt thanh tra, kiểm tra. Số DN kéo dài thời hạn nộp thuế ngày càng nhiều, nhất là các DN có ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản (BĐS)… Trong năm 2011 ngoài các biện pháp đốc thu như trích tiền từ tài khoản, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản, thu tiền, tài sản của các đối tượng bị cưỡng chế, thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hoá đơn, thu hồi giấy phép kinh doanh, lập lệnh thu từ tiền hoàn thuế…, Cục Thuế TP.HCM còn tăng cường biện pháp dừng xuất nhập cảnh của người nợ thuế và ra quyết định kiểm tra tại trụ sở của người nợ thuế. Tuy nhiên vẫn chưa đạt chỉ tiêu về nợ thuế đã đăng kí. Công tác thanh tra, kiểm tra đã truy thu nhiều khoản tiền thuế và phạt lớn nên DN gặp khó khăn và không thể nộp ngay vào ngân sách. Nhiều NNT có số tiền thuế nợ lớn (khoảng hơn 600 tỉ đồng) qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn đang khiếu kiện, khiếu nại tại các cơ quan chức năng. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn hiện nay cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng thanh toán của các tổ chức, cá nhân kinh doanh... Về cơ chế, chính sách, việc chấp nhận gia hạn nộp thuế theo quy định của Thông tư 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hiện nay rất khó khăn. Hầu hết các trường hợp xin gia hạn đều không đủ điều kiện nhất là đối với các DN trong lĩnh vực xây dựng có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhưng chưa được thanh toán do nợ tiền thuế trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 28/2011/TT-BTC. Trong năm 2012, Cục Thuế TP.HCM dự kiến chỉ tiêu thu nợ với tổng tiền thuế- tiền phạt chiếm 5,50% trên tổng số thực hiện thu và phấn đấu giảm nợ xuống dưới 5% trên tổng số thực hiện thu của cả năm. Để thực hiện được chỉ tiêu này, ngoài các biện pháp tuyên truyền hỗ trợ hướng dẫn NNT kê khai nộp đúng nộp đủ tiền thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các DN nợ thuế kéo dài nhiều kì và nợ quá 90 ngày, thường xuyên đối chiếu số liệu với NNT theo đúng quy trình quản lí khai thuế, nộp thuế và kế toán thuế nhằm xác định chính xác số liệu kê khai và nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM sẽ tăng cường công tác đốc thu bằng các biện pháp như ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp đối với các tổ chức, cá nhân có phát sinh tiền thuế nộp chậm và nợ thuế. Sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với những tổ chức cá nhân nợ trên 90 ngày và kiên quyết thực hiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những tổ chức cá nhân trây ỳ không thực hiện nộp thuế vào ngân sách nhà nước… Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước trong tình hình khó khăn hiện nay, Cục Thuế TP.HCM cũng kiến nghị với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính giải quyết giãn nộp hoặc phân kì đối với trường hợp các DN có tiền thuế nợ do truy thu của các năm trước qua công tác thanh tra, kiểm tra. Cục Thuế TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế bỏ hai biện pháp cưỡng chế là thu hồi mã số thuế và thu hồi giấy phép kinh doanh, vì đây là hai biện pháp vô tình giúp cho DN được giải thể và đóng mã số thuế hợp pháp; đồng thời mở rộng đối tượng dừng xuất cảnh đối với người người đại diện pháp luật, như: chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đông quản trị, thành viên góp vốn, vợ hoặc chồng của chủ DN tư nhân… Nguyễn Huế |