Từ những ý kiến đóng góp,ềuhướngmởchonngnghiệpHậkết quả kosovo chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất của nhà khoa học, ngành chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã giúp ngành nông nghiệp tỉnh mở ra nhiều hướng đi mới trong phát triển sản xuất và kêu gọi nhà đầu tư. Khóm MD2 là một trong những mặt hàng nông sản của tỉnh đang được nhà đầu tư quan tâm phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến. Tháo gỡ những nút thắt Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cho biết trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 5 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau, củ, quả với tổng công suất khoảng 1.900 tấn sản phẩm/tháng. Con số doanh nghiệp và sản lượng nông sản được chế biến như trên rất nhỏ so với tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, với nguồn nguyên liệu dồi dào, tỉnh Hậu Giang đang kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến, chế biến sâu nông sản… Bởi trên thực tế trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố khác thực hiện rất tốt việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, riêng Hậu Giang còn yếu, thiếu ở lĩnh vực này. Chia sẻ một số nguyên nhân mà tỉnh Hậu Giang, cũng như nhiều tỉnh, thành của vùng ĐBSCL còn yếu trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại - Bộ NN&PTNT, cho biết: Nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp, do đối tượng của sản xuất nông nghiệp là sinh vật, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đồng thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp chưa đủ lớn, đủ mạnh để thu hút, giữ chân và gia tăng quy mô doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra, hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế, số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó là thách thức từ bất ổn về thị trường và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt; biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Về nội tại từng doanh nghiệp, đó là áp lực giảm chi phí sản xuất, thuế, phí; đồng thời tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng, tay nghề, chuyên môn, nhất là lĩnh vực sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại cũng là nỗi trăn trở không nhỏ của doanh nghiệp mà ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cần phải tháo gỡ. Từ những vấn đề vướng mắc đặt ra như trên, nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp đã có những đề xuất mở hướng cho tỉnh Hậu Giang tháo gỡ. Trước tiên, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án; xây dựng cơ chế khuyến khích mạnh mẽ để các nhà đầu tư tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo nhiều hình thức khác nhau, nhất là đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đặc biệt là sớm đầu tư dịch vụ logistics, hệ thống kho bảo quản, kho lạnh để hỗ trợ thương mại cho nông sản, cũng như xây dựng các trung tâm cung ứng nông sản địa phương kết nối với trung tâm cung ứng nông sản vùng và quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sớm hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về chứng nhận chất lượng nông sản, đổi mới, hoàn thiện công tác kiểm tra chuyên ngành, quản lý tốt các vật tư đầu vào cho nông nghiệp và công tác an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II, cho hay: Ngoài những định hướng trên thì tỉnh Hậu Giang cần đẩy mạnh tính liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, vì đây là yêu cầu tất yếu trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm hơn trong thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nhất là ưu tiên cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm như chương trình OCOP mà tỉnh làm rất có hiệu quả trong thời gian qua. Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh việc thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tức là đa dạng mô hình sản xuất trên cùng diện tích gắn với chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao nguồn thu nhập cho bà con. Ngành chức năng tỉnh đã và tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, đối tác trong quảng bá, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh. Sẵn sàng đón nhà đầu tư Mặc dù còn những điểm nghẽn trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thời gian qua ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cùng với việc ban hành những cơ chế, chính sách hấp dẫn để giúp doanh nghiệp phát triển các dự án đang đầu tư và sẵn sàng đón chào nhà đầu tư mới đến với Hậu Giang. Trước tiên là về bài toàn nguồn nhân lực thì trong các năm qua tỉnh Hậu Giang và Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp, hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó Khoa Phát triển nông thôn - Trường Đại học Cần Thơ, thông tin: Trường có Khoa phát triển nông thôn sau này sẽ trở thành phân viện của trường được đặt tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Những năm qua, trường đã đào tạo hàng ngàn sinh viên là con em tại Hậu Giang, đồng thời thực hiện hàng chục đề tài chuyển giao khoa học; cũng như phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt cán bộ kỹ thuật của tỉnh. Có thể nói, nguồn nhân lực của tỉnh có thể đáp ứng được chuyên môn cao trong chế biến và chế biến sâu nông sản theo nhu cầu doanh nghiệp. Một điều đáng phấn khởi là vừa qua tỉnh Hậu Giang phối hợp với Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Miền Tây (Westfood) tổ chức khởi công nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu đạt chuẩn châu Âu với diện tích 70.000m2 (nhà máy được đặt tại huyện Châu Thành). Vị trí xây dựng nhà máy được xem như là trung tâm vùng nguyên liệu của khu vực ĐBSCL. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng quy mô 80.000 tấn nguyên liệu/năm và tận dụng vùng nguyên liệu tại địa phương. Sau khi hoàn thành thì dự án này sẽ trở thành nhà máy chế biến nông sản lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Westfood, chia sẻ: Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ hết mình của các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang nên vùng nguyên liệu khóm MD2 của công ty tại Hậu Giang ngày càng phát triển về diện tích khi hiện đạt hơn 120ha (có 33ha được nông dân trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP), dự kiến tổng sản lượng khóm MD2 trong năm nay đạt khoảng 2.800 tấn. Công ty phấn đấu trước năm 2030, diện tích khóm MD2 tại Hậu Giang sẽ đạt diện tích 2.000ha. Để tạo thêm công việc làm cho lao động của tỉnh, cũng như khai thác các thế mạnh về những mặt hàng nông sản và đảm bảo đầu ra ổn định cho vùng khóm MD2 thì công ty đang khẩn trương xây dựng nhà máy chế biến nông sản Westfood, với tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng. Bên cạnh Westfood thì dự kiến trong quý III năm nay, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP (HTX OCOP), ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cũng tiến hành xây dựng nhà máy chế biến nông sản có công suất 25.000 tấn trái cây/năm. Hiện tại, HTX OCOP có 265 hộ nông dân ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ và thành phố Ngã Bảy liên kết sản xuất với diện tích hơn 300ha cây ăn trái. Trong đó, chanh không hạt, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, thanh long, dừa từ những mảnh vườn của bà con liên kết với HTX OCOP liên tục được xuất khẩu sang nước ngoài và đi vào những siêu thị cao cấp của các nước như: Anh, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan… Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Một yếu tố khá quan trọng khác để tạo cơ hội thu hút doanh nghiệp, đối tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh là trong thời gian qua, nông nghiệp Hậu Giang đã tập trung tái cơ cấu ngành, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn. Ngoài ra, việc ứng dụng máy móc, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương, người dân trong tỉnh chú trọng triển khai. Qua đây, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Mặt khác, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức quy hoạch, tuyên truyền, vận động người dân xây dựng vùng nguyên liệu sẵn sàng phục vụ cho chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản; từ đây sẵn sàng trải thảm mời gọi các nhà đầu tư đến với địa phương mình.
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC |