Về mặt hình thức thì đây có vẻ là một thực tế đáng báo động. Tuy nhiên với nhiều nước, đồng tiền yếu lại là điều mà nhiều nước mong muốn. Trung Quốc là một ví dụ. Nước này đã phá giá đồng nhân dân tệ hơn 4% trong tháng trước, mức phá giá lớn nhất trong hai thập kỉ trở lại đây. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính của hành động này là nhằm tạo động lực cho xuất khẩu. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vòng hai năm tới mọi người nói rằng việc làm suy yếu đồng tiền đã lát đường cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn“, Neil Shearing, kinh tế trưởng các thị trường mới nổi tại công ty nghiên cứu Capital Economics bình luận. Dĩ nhiên là một đồng tiền yếu có thể thúc đẩy xuất khẩu, qua đó kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên trong ngắn hạn, việc đồng nội tệ giảm giá cũng phản ánh sự yếu kém của nền kinh tế. Trên thực tế, việc giảm giá sâu của tiền tệ toàn cầu đang gợi nhớ lại bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ sự mất giá của đồng baht Thái. Đồng tiền này đã giảm tới 20% trị giá chỉ trong vòng 1 ngày. Cuộc khủng hoảng đã gây hậu quả xấu cho toàn thế giới, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm xuống mức kỉ lục và bào mòn niềm tin của các nhà đầu tư trong khu vực trong hơn một thập kỷ sau đó. Nguyên nhân đằng sau sự suy giảm tiền tệ lần này? Không giống như cuộc khủng hoảng đồng baht Thái, đợt suy giảm lần này phải nói là gắn liền với việc sụt giá của các loại hàng hóa, bị dẫn dắt bởi bong bóng nhà đất vốn tăng chóng mặt dựa vào vay nợ. Rất nhiều nước, trong đó có Brazil đang phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu các mặt hàng như sắt, đồng, đậu nành và dầu. Hầu hết các loại hàng hóa này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua mà nguyên nhân chính là do nhu cầu giảm mạnh, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang khiến nhu cầu các nguồn nguyên nhiên liệu tại nước này giảm mạnh. Thêm vào đó là khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tăng lãi suất, và điều này khiến các nhà đầu tư toàn cầu không mặn mà lắm với việc rời khỏi đồng đô la Mỹ để chuyển sang những loại tiền có độ rủi ro cao hơn. Công thức đồng tiền yếu = xuất khẩu tăng Nếu được kiểm soát một cách cẩn thận, những nước có đồng tiền giảm mạnh có thể sẽ là người chiến thắng cuối cùng. Trên thực tế, đồng tiền yếu có thể thúc đẩy nền kinh tế theo hai cách sau: 1. Đồng tiền yếu khiến hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn, hấp dẫn hơn với người tiêu dùng nước ngoài. 2. Điều này ngược lại cũng khiến hàng nhập khẩu đắt hơn và kém hấp dẫn hơn so với hàng nội địa, qua đó thu hút người mua trong nước. Cả hai phương diện này đều thúc đẩy thương mại, tăng cầu trong nước và giúp kinh tế tăng trưởng. “Những nước này nhìn thấy những lợi ích trong thương mại toàn cầu của họ”, Andrew Karolyi, một chuyên gia về thị trường mới nổi tại Đại học Cornell cho biết. Ví dụ như Brazil. Nước này gần đây đang rơi vào suy thoái và đồng real đã giảm gần 28% trong năm nay. Tuy nhiên xuất khẩu của nước này bắt đầu tăng từ quý II, ở mức 7%. Điều này tuy không bù đắt toàn bộ những yếu tố tiêu cực, nhưng nó đem lại “tia hi vọng” cho tương lai kinh tế của Brazil, kinh tế gia Shearing cho biết. Cẩn thận nguy cơ chiến tranh thương mại Một chuyên gia kinh tế trên phố Wall, Mohamed A. El-Erian miêu tả việc phá giá đồng tiền của Trung Quốc gần đây như một cố gắng nhằm “đánh cắp” tăng trưởng kinh tế từ các nước khác. Đây chắc chắn là một điều đáng lo ngại với những nước đang cạnh tranh xuất khẩu với nước này. Việt Nam cũng đã giảm giá tiền đồng của mình lần thứ 3 trong năm sau khi Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ. Hai quyết định gần nhau trên đang làm dấy lên những lo ngại về khả năng một cuộc “chiến tranh tiền tệ” giữa các chính phủ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh thương mại thông qua việc phá giá đồng tiền và dẫn đến một vòng xoáy nguy hiểm. Vấn đề hiện giờ là liệu các đồng tiền này sẽ giảm giá đến đâu, và khi nào thì nó bắt đầu ảnh hưởng đến những người dân bình thường, đặc biệt là ở các quốc gia dựa nhiều vào hàng hóa nhập khẩu. Giá cả mọi thức có giá bằng đồng đô la Mỹ sẽ tăng lên. Venezuela đang là nước chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng này. Nước này đang phải nhập tới 70% hàng tiêu dùng. Đầu năm nay, các quan chức Trinidad và Tobago thậm chí còn bị cáo buộc đã đề nghị đổi giấy ăn lấy dầu từ Venezuela. Tiền tệ giảm mạnh cũng khiến cho các nước và các công ty gặp khó khăn trong việc trả nợ bằng đồng đô la Mỹ. Lãi vay tăng đang ăn mòn vào tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận trong nước. Trong quá khứ, những nước như Brazil và Thái Lan đã phải trải qua tình huống tương tự khi phần lớn nợ chính phủ và công ty ở hai nước này đều bằng đồng đô la Mỹ./. Mai Hương (Theo CNBC) |