Thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách chậm nhất 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách. Ảnh: TL |
Rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách
Thông qua công tác quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) cho thấy, hàng năm Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành NSNN theo dự toán được giao; quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi và vay nợ của NSNN; tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Các thông tin trên báo cáo quyết toán NSNN là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh công tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý, điều hành, sử dụng, kiểm tra, giám sát công tác tài chính - ngân sách được hiệu quả hơn.
Theo quy định của Luật NSNN, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách theo quy định của Luật NSNN. Tuy nhiên, thời gian này là quá dài chưa kịp thời đưa ra bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện công tác thu, chi NSNN (bao gồm cả những tồn tại trong công tác quyết toán NSNN) để có những đánh giá mang tính thời sự, toàn diện và rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo. Do đó, đã làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với công tác xây dựng dự toán và quản lý NSNN, chưa đảm bảo mục tiêu theo yêu cầu Quốc hội nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã giao Kho bạc Nhà nước (KBNN) chủ trì “nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm”. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 764/BTC-KBNN ngày 19/1/2023 lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Căn cứ các ý kiến tham gia, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN theo định hướng: tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN; nâng cao tính chủ động, tự chịụ trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; làm rõ trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp trên và cơ quan tài chính các cấp trong công tác xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán NSNN; tăng cường công tác hậu kiểm sau quyết toán NSNN.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ đề xuất báo cáo quyết toán NSNN được Quốc hội phê chuẩn chậm nhất 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách, tức là giảm 6 tháng so với quy định tại Luật NSNN năm 2015. Trong đó có một số nội dung thay đổi lớn. Cụ thể, về thời gian lập, tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN: các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh gửi báo cáo quyết toán NSNN cho Bộ Tài chính chậm nhất ngày 1/8 năm sau (rút ngắn 2 tháng so với quy định của Luật NSNN năm 2015) để Bộ Tài chính rà soát. Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ và gửi Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là 9 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách (rút ngắn 5 tháng so với quy định hiện hành tại Luật NSNN 2015). Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 10 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách (rút ngắn 6 tháng so với Luật NSNN 2015). Quốc hội xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán NSNN chậm nhất 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách (rút ngắn 6 tháng so với Luật NSNN 2015).
Bổ sung hệ thống mẫu biểu quyết toán theo hướng đồng bộ Để rút ngắn quy trình và thời gian quyết toán, theo Kho bạc Nhà nước, cần bổ sung hệ thống mẫu biểu quyết toán ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, tinh gọn, thống nhất và có hướng dẫn cụ thể các chỉ tiêu trong mẫu biểu quyết toán. Ngoài ra cần sửa đổi, bổ sung quy định của các luật: Bảo hiểm y tế, Đầu tư công, Kiểm toán… để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật NSNN sửa đổi. |
Về trách nhiệm của các đơn vị trong công tác lập, tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN, thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN chịu trách nhiệm toàn bộ về việc quản lý, sử dụng NSNN, đảm bảo sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; chứng từ chi NSNN đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị sửa đổi quy định về nội dung xét duyệt quyết toán NSNN theo hướng các khoản thu, chi NSNN đảm bảo theo đúng nhiệm vụ, dự toán được giao để đảm bảo tính khả thi khi đơn vị dự toán cấp trên thực hiện xét duyệt quyết toán của đơn vị dự toán cấp dưới. Trách nhiệm rà soát của cơ quan tài chính trong việc quyết toán NSNN cần được sửa đổi để tăng trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách và trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp I. Tại mỗi cấp ngân sách của địa phương, HĐND xem xét, phê chuẩn quyết toán của ngân sách cấp tương ứng, không phê chuẩn lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được HĐND cấp dưới phê chuẩn.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN có trách nhiệm giải trình trước Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ, cơ quan của Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý, sử dụng NSNN theo quy định.
Cần các giải pháp để thực hiện thành công
Để công tác quyết toán NSNN được rút ngắn quy trình và thời gian như mục tiêu đặt ra, KBNN - cơ quan được Bộ Tài chính giao chủ trì nghiên cứu rút ngắn quy trình và thời gian quyết toán NSNN cho biết, cần phải có các giải pháp tổng thể và điều kiện để thực hiện.
Theo KBNN, các bước của quy trình tổng hợp, lập và trình báo cáo quyết toán NSNN đang được quy định tại Luật NSNN 2015. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật NSNN như: quy định về trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN, đơn vị dự toán các cấp, cơ quan tài chính; quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác tổng hợp, lập và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quy định về nội dung xét duyệt quyết toán NSNN; bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị trong việc quyết toán; sửa đổi các quy định về thời hạn và trình tự quyết toán NSNN... Ngoài ra cần sửa đổi, bổ sung quy định của các luật: Bảo hiểm y tế, Đầu tư công, Kiểm toán… để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật NSNN sửa đổi.
KBNN cũng đề xuất cần tăng cường thanh tra, kiểm toán quyết toán NSNN theo hướng, các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra chuyên ngành phối hợp khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán quyết toán NSNN, đảm bảo tất cả các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được thanh tra, kiểm toán đầy đủ về công tác quyết toán ngân sách.
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách xây dựng phần mềm kế toán, đảm bảo thống nhất các nguyên tắc kế toán và hệ thống mẫu biểu để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan tài chính, KBNN và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền liên quan, tạo thuận lợi trong công tác tổng hợp quyết toán NSNN.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách Theo Kho bạc Nhà nước, việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) đòi hỏi các đơn vị sử dụng ngân sách, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải tăng cường tính tuân thủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng và quyết toán NSNN; đồng thời, cần thực hiện nghiêm chế tài đối với các đơn vị không tuân thủ quy định pháp luật liên quan công tác quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN. |