Từ những tháng đầu quý IV/2016, tại tỉnh Quảng Trị bắt đầu diễn ra các hoạt động hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017). Riêng hội thảo khoa học về chủ đề này sẽ được tổ chức trong năm 2017, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Hà Nội.
Một ngày đầu tháng 10/2016, anh Lê Vĩnh Nhiên, Phó Giám đốc Ðài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh Quảng Trị bỏ nhỏ rằng đơn vị đang thực hiện phim tài liệu về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn để kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông. Ðoàn làm phim rất mong có những thước phim về Nam Bộ bởi đây chính là mảnh đất của sự dấn thân, tình yêu và khát vọng thống nhất luôn cháy bỏng trong trái tim đồng chí Lê Duẩn. Thời gian càng dần xa thì nhân chứng lịch sử còn lại càng hiếm hoi, việc thực hiện không dễ dàng.
Ðồng chí Lê Duẩn về thăm Cà Mau những năm đầu mới giải phóng. Ảnh tư liệu
Tôi hứa chắc với anh rằng, nếu Ðài PT-TH tỉnh Quảng Trị về thực hiện tại Cà Mau hẳn sẽ thu nhận được nhiều thông tin thú vị. Bởi cách đây gần 15 năm, tôi có dịp cùng các anh ở Bảo tàng tỉnh Cà Mau thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tài liệu, tư liệu cũng như các nhân chứng lịch sử đã từng có công đùm bọc, bảo vệ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong thời gian bí mật hoạt động ở đây để chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam (năm 1955), đồng thời khởi thảo và hoàn thành “Ðề cương cách mạng miền Nam” - một kiệt tác cách mạng chi phối xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong hồi ký của mình, đồng chí Cao Ðăng Chiếm (nguyên Uỷ viên Trung ương Ðảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ) viết: “Tôi cảm phục anh Ba một lòng gắn bó với Nam Bộ, với miền Nam của Tổ quốc”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: “Mấy năm gắn bó sống chết với chiến trường Nam Bộ sau Hiệp định Geneve đã giúp anh Ba tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn xương máu, làm tiền đề hình thành đường lối đấu tranh của cách mạng miền Nam mà anh thể hiện trong dự thảo Ðường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam”... “Sau này tài liệu đó được quen gọi là Ðề cương cách mạng miền Nam và tư tưởng của nó được thể hiện đầy đủ trong Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng khoá II”.
Nghị quyết 15 khai thông dòng thác cách mạng miền Nam, xua tan những ảo tưởng “thống nhất đất nước bằng thi đua hoà bình giữa hai miền”, tâm lý sợ chiến tranh lan rộng, dao động trước sức mạnh của Mỹ… Qua đó, cả nước đã xác định rõ ràng, dứt khoát: miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn.
Trong dòng chảy lịch sử cuộc đời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, mảnh đất Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng là một mối duyên nợ “đặc biệt sâu nặng”. Theo ông Phan Minh Tánh, nguyên cán bộ Thanh vận tỉnh Bạc Liêu, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, thời kỳ đầu, đồng chí Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ Lê Duẩn hoạt động ở Cà Mau, từ năm 1949-1954, có lúc là Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1955-1956, đồng chí Lê Duẩn đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ uỷ mới thành lập - vẫn ở Cà Mau, nhưng chuyển vào hoạt động bí mật nên ít cán bộ cách mạng có điều kiện gặp.
Ngày 7/2/1955, tại vàm sông Ông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, chuyến tàu cuối cùng kéo còi đưa cán bộ hoạt động tại miền Nam tập kết ra Bắc theo tinh thần của Hiệp định Geneve. Người ra đi đưa 2 ngón tay thay cho lời hẹn ước 2 năm sau sẽ quay trở về đoàn tụ trong niềm vui chiến thắng. Trong bối cảnh đó, có một người cũng lên tàu như bao người khác nhưng rồi bí mật bước xuống một con xuồng nhỏ để trở lại bờ. Người cán bộ cao cấp ấy được Ðảng và Bác Hồ chọn làm người ở lại để thực hiện sứ mệnh lịch sử mà chính đồng chí đã tiên đoán trước cục diện và những sóng gió mà con tàu cách mạng Việt Nam phải đương đầu trong hành trình đến bến bờ thống nhất. Ðồng chí Lê Duẩn - người cán bộ đó đã ở lại miền Nam như thế.
Mấy năm sau là thời kỳ đầy thách thức, nguy hiểm đối với anh Ba. Tình hình hết sức căng thẳng, phức tạp. Thế nhưng, cán bộ và Nhân dân Cà Mau đã hết lòng bảo vệ, đùm bọc không để xảy ra bất cứ tình huống bất lợi nào cho quá trình hoạt động cách mạng. Nhắc đến Cà Mau là nhắc đến những đồng chí, đồng đội, người anh em nặng ân tình hơn cả ruột thịt như ông Năm Hắc Hổ, Bông Văn Dĩa, Ba Pháo…
Ðồng chí Lê Duẩn đã nhận một người anh nuôi và coi như người thân trong gia đình là Năm Hắc Hổ (tên thật là Tiết Văn Phát) - một trang hào kiệt đất phương Nam. Năm Hắc Hổ là một người nghĩa hiệp, giỏi võ nghệ và ham săn bắn. Sau khi gặp thầy giáo Phan Ngọc Hiển, ông được thầy giác ngộ cách mạng. Từ đó, Năm Hắc Hổ là học trò cưng của thầy giáo Phan. Ngày 13/12/1940, ông theo thầy Phan Ngọc Hiển dựng cờ khởi nghĩa tại Hòn Khoai. Cuộc khỏi nghĩa thất bại, ông bị đày ra Côn Ðảo. Tại đây, Năm Hắc Hổ gặp đồng chí Lê Duẩn.
Sau khi đồng chí Lê Duẩn bí mật quay trở lại miền Nam đến ở bãi Khai Long, huyện Ngọc Hiển, ông Năm Hắc Hổ cơm nắm lên rừng nhiều ngày cùng với ông Ba Pháo (cũng là bạn tù tại Côn Ðảo) tìm cách chữa khỏi bệnh hen suyễn nặng cho đồng chí Lê Duẩn.
Ðồng chí Lê Duẩn thăm tỉnh Minh Hải vào tháng 9/1978. Ảnh tư liệu
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1978 đồng chí về thăm Minh Hải trong sự chào đón nồng ấm của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, đến ngày 30/9/1985, đồng chí một lần nữa về thăm Ðảng bộ và Nhân dân Minh Hải, trong đó đặc biệt ông gặp gỡ những người đã có công đùm bọc che chở ông trong những năm kháng chiến ở huyện Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Cái Nước và U Minh.
Với tình cảm thiết tha dành cho “anh Ba”, “ông Chín”, tháng 4/2012, Ðảng bộ tỉnh Cà Mau xuất bản quyển sách “Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Duẩn hoạt động tại Cà Mau”. Trong lời nói đầu quyển sách, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình nhấn mạnh: “Ðây không phải là loại sách chuyên đề về lý luận. Nội dung cuốn sách này chủ yếu được thể hiện trong những hồi ký sống động miêu tả “con người thật”, “sự việc thật”, phản ánh bản lĩnh, khí phách, tài năng, trí tuệ, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng trung thành vô hạn của đồng chí Lê Duẩn đối với Ðảng, với Tổ quốc và Nhân dân”./.