Năm thứ 6 kiểm soát lạm phát thành công Trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, đến thời điểm hiện nay, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã đảm bảo theo mục tiêu. Mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngay cả lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ở cao điểm, khả năng đứt giảm nguồn cung.
Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là năm thứ 6 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công. Theo Cục Quản lý giá, trong công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, các bộ, ngành đã chủ động tổ chức triển khai các giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, người dân theo đúng kịch bản điều hành giá đặt ra từ đầu năm. Cùng với đó, công tác tổng hợp, phân tích diễn biến giá cả thị trường cũng được triển khai mạnh mẽ, kịp thời nắm bắt được các yếu tố biến động của thị trường để có các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường. Một số biến động bất thường của một số hàng hóa, dịch vụ xảy ra cục bộ trên một số địa bàn có diễn biến dịch phức tạp cũng được xử lý kịp thời. Làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá Năm 2022, Cục Quản lý giá đặt trọng tâm trong công tác xây dựng thể chế, đó là xây dựng Luật Giá (sửa đổi), đảm bảo tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022 và các văn bản hướng dẫn để báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội về Luật Giá (sửa đổi). Đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, năm 2022, Quốc hội đề ra chỉ tiêu lạm phát khoảng 4%. Để hoàn thành mục tiêu trên, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá. Theo đó, Cục Quản lý giá tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra; bên cạnh đó tham mưu thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu. Đồng thời, Cục Quản lý giá tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hướng của thiên tai, dịch bệnh và các mặt hàng có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau tết. Trong quản lý, điều hành giá năm 2022, Cục Quản lý giá tiếp tục chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Sau 2 năm chưa điều chỉnh giá dịch vụ công, dự kiến trong năm 2022, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả. Để kiểm soát giá cả thị trường, không thể thiếu công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, năm 2022, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn ghi nhận và biểu dương các kết quả đạt được của Cục Quản lý giá, góp phần vào thành tích chung của Bộ Tài chính. Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, năm 2021 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đợt dịch bùng phát lần thứ 4, kéo dài từ tháng 5/2021, ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh tế - xã hội và nhiệm vụ tài chính - ngân sách, cũng như công tác kiểm soát giá cả thị trường. Với nỗ lực vượt bậc, CPI tăng thấp nhất so với 6 năm trở lại đây. Đối với công tác quản lý, điều hành giá, theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, năm 2021 đã đạt nhiều thành tựu, cả các công việc lâu dài và thường xuyên, các đề án chính sách lớn cũng được thực hiện. “Đáng chú ý, Cục Quản lý giá đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Giá (sửa đổi) theo hướng sửa đổi toàn diện về luật, thay đổi tư duy về công tác quản lý giá. Một số cơ chế, chính sách quan trọng cũng được sửa đổi phù hợp thực tiễn liên quan đến các quy định về giá, thẩm định giá...” - Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh. Trong công tác chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, được các bộ, ngành đánh giá cao. Cục Quản lý giá cũng đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, điều hành linh hoạt các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Năm 2022, theo Thứ trưởng, công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, sự cạnh tranh của các nước lớn... Thứ trưởng lưu ý, trong triển khai nhiệm vụ, Cục Quản lý giá cần phải nhạy bén, bản lĩnh và công tâm trong công tác quản lý, điều hành giá; cần đánh giá kỹ các vấn đề nổi lên về giá, để chủ động có định hướng chính sách phù hợp. Về cơ chế chính sách, Thứ trưởng đề nghị tập trung sửa đổi Luật Giá theo cơ chế thị trường, phân cấp phân quyền trong điều hành giá; tăng cường sự quản lý nhà nước tập trung vào xây dựng cơ chế chính sách, kiểm tra, kiểm soát; sớm đưa vào thực hiện các quy định quản lý giá có thông lệ quốc tế tốt; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giá, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về giá... Thứ trưởng đặc biệt lưu ý đến công tác xây dựng cơ chế quản lý giá, từng bước xây dựng cơ chế quản lý giá phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Chiến lược phát triển của ngành Tài chính trong giai đoạn mới./. |