Mỗi sinh viên sáng tác 2 poster thành một tác phẩm bộ đôi,ổđộngFestivalHuếkq bóng đá việt nam thể hiện đặc trưng của Festival Huế 2016, tạo nên cụm poster quảng bá công cộng. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế cho biết: “Phong phú cả về ngôn ngữ thể hiện lẫn cách biểu đạt, triển lãm là cách nhìn của giới trẻ về sự kiện lớn của quê hương. Đề tài các em chọn khá phong phú”.
Poster của Kim Phận
Các poster được lấy ý tưởng từ những chương trình, hoạt động đặc sắc diễn ra trong lễ hội; giới thiệu về tiến trình 710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế; khai thác sự hội nhập và phát triển về văn hóa của festival. Nhiều tác giả đi sâu khai thác từng chương trình diễn ra trong Festival Huế 2016, như: Lễ hội áo dài, lễ tế Nam Giao, lễ hội Quảng chiếu, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, thả diều,... Thể hiện sự hội tụ về văn hóa, các tác giả sử dụng những đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế, như: Nhã nhạc, ca Huế, hoa đăng, đền chùa, danh lam thắng cảnh…
Một số tranh có bố cục tạo hình khá mới lạ. Với cặp poster “Nét duyên xưa” và “Sức sống mới”, Hoàng Việt Quốc, sinh viên năm 4 chuyên ngành thiết kế đồ họa, Khoa Mỹ thuật Ứng dụng ở Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị tạo bố cục mới từ hình tượng mặt hổ phù. Sử dụng một trong những họa tiết điển hình của nghệ thuật cung đình nhà Nguyễn, Việt Quốc đưa vào bố cục những hình ảnh, sự kiện lễ hội đặc trưng của Huế và tạo ấn tượng về mặt thị giác.
Poster của Bảo Ngọc
Bảo Ngọc, sinh viên năm 4 chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Mỹ thuật Ứng dụng ở Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị lại xây dựng bố cục Festival truyền thống bằng cách dùng hình, mảng tương đối mới lạ theo xu hướng thiết kế đồ họa trên thế giới. Những hình tượng biểu trưng: Đại Nội, chùa Thiên Mụ, ca Huế, Cửu đỉnh... được Ngọc sắp xếp trong một bố cục hiện đại, thể hiện tính hội nhập của Festival Huế.
Giới thiệu cụm 2 poster nói về dòng chảy 710 năm văn hóa Huế, Kim Phận, sinh viên năm 3 chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế sử dụng cách xây dựng hình tượng khá mới lạ, bố cục chặt chẽ. Những đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế được tác giả nhìn theo 2 chiều, sắp xếp theo lớp có thứ tự, tầng bậc rất lạ mắt, chặt chẽ, màu sắc hài hòa, thú vị.
Để đảm bảo chất lượng, 3 giảng viên tổ Thiết kế đồ họa phụ trách hướng dẫn cho 30 sinh viên. Họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Trà, giảng viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng cho hay: “Cuộc thi thiết kế poster được nhà trường lồng ghép vào chương trình học của sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa. Để tăng tính khó cho bài tập này, nhà trường yêu cầu các em thiết kế tranh bộ, tạo nên những cặp poster đồng bộ về mặt ý nghĩa, hình thức, tương đồng về bố cục, lối thiết kế... nhưng không hoàn toàn giống nhau. Là bài thi được tính điểm nên các em vẽ rất chỉn chu, chuyên nghiệp. Các em tự khai thác chủ đề, xây dựng bố cục, xây dựng hình tượng, tạo hình tượng mới lạ từ những hình ảnh có thật rồi cách điệu hóa hoặc hình tượng hóa nó. Các poster do sinh viên thiết kế vừa đảm bảo chuyển tải được tinh thần của Festival Huế vừa mang tính đại chúng để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận một cách dễ hiểu nhất”.
Không chỉ là bài học thông thường, ý nghĩ thiết kế của mình góp phần quảng bá Festival Huế khiến sinh viên nào cũng háo hức sáng tạo. Kim Phận chia sẻ: “Muốn giới thiệu đến khách phương xa vẻ đẹp của Huế nên em sử dụng những hình ảnh quen thuộc: cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, ca Huế, đuôi thuyền rồng… làm hình ảnh trung tâm của poster. Em rất hứng thú khi được góp sức quảng bá cho văn hóa Huế”.
PGS. TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế cho rằng, đây là lần đầu tiên có một cuộc thi gắn kết sự kiện lớn của địa phương với chương trình học của nhà trường. Không chỉ “khai thác” được trách nhiệm, chất xám của đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên thiết kế tác phẩm đúng tiêu chí quảng bá festival, đây còn là cơ hội để sinh viên tìm hiểu về văn hóa Huế, có trách nhiệm tham gia quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Trang Hiền