Đơn giản hóa Mục lục NSNN Theo Bộ Tài chính, nội dung sửa đổi Mục lục NSNN chủ yếu rà soát và lược bỏ các chương không còn tồn tại, sửa lại tên một số Chương theo quyết định của cấp có thẩm quyền.. Đồng thời, sắp xếp và bố trí và đánh mã các chương theo thứ tự khối các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Mỗi khối đều bố trí khoảng giá trị dự phòng để cập nhật khi có sửa đổi, bổ sung về mã Chương. Cùng với đó, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý theo lĩnh vực chi NSNN theo quy định của Luật NSNN 2015, chi đầu tư và chi thường xuyên có 12 lĩnh vực chi, dự kiến Mục lục NSNN mới sẽ bố trí phân loại mã hóa lại Loại, Khoản trong hệ thống. Cụ thể, bố trí 12 Loại tương ứng với 12 lĩnh vực chi NSNN đối với chi thường xuyên và đầu tư theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Trong đó quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh và quốc phòng được thực hiện căn cứ theo thực tế dự toán Quốc hội quyết định. Ngoài ra, bố trí thêm 2 Loại cho các nhiệm vụ còn lại quy định trong Điều 36 Luật NSNN năm 2015. Tổng số có 14 Loại, giảm 7 Loại so với hiện hành (21 Loại). Đối với Khoản, phân loại theo Khoản để chi tiết cho Loại, nhằm phục vụ phân bổ, quản lý ngân sách chi tiết theo hoạt động của các cơ quan đơn vị. Dự kiến sắp xếp, bố trí lại còn 91 khoản, giảm 101 khoản so với hiện hành (192 khoản). Việc bố trí 91 khoản theo phân loại mới vẫn bảo đảm tổng hợp được theo 21 ngành kinh tế quốc dân theo hệ thống ngành kinh tế quốc dân do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong đó có riêng một Khoản cho ngành công nghệ thông tin theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ. Cũng theo Bộ Tài chính, từ việc bố trí Loại, khoản nêu trên đã phù hợp với yêu cầu của Luật NSNN 2015, một mặt giải quyết được các vướng mắc về quan hệ giữa các mã loại, lĩnh vực chi hiện nay, mặt khác đảm bảo thống nhất từ khâu dự toán đến chấp hành và quyết toán NSNN, khắc phục được hạn chế, tồn tại hiện nay, đồng thời đáp ứng mục tiêu đơn giản hóa Mục lục NSNN. Sắp xếp, thu gọn Mục, Tiểu mục Đối với nội dung rà soát, sắp xếp, thu gọn Mục, Tiểu mục, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở trách nhiệm của đơn vị dự toán ngân sách đã được tăng cường theo quy định tại khoản 7 Điều 32 Luật NSNN 2015; không yêu cầu theo dõi chi tiết các Tiểu mục vay và trả nợ gốc vay, Mục tiểu mục được hoàn chỉnh. Cụ thể, đối với Mục, Tiểu mục chi, thực hiện sắp xếp theo 10 nhóm Mục chi phù hợp với 9 nội dung chi nêu tại Điều 36 và Điều 38 của Luật NSNN. Trong đó rà soát loại bỏ 51 Tiểu mục (382 Tiểu mục mới so với 433 Tiểu mục cũ). Mục, Tiểu mục thu, rà soát, bỏ bớt các tiểu mục không phát sinh trong quá trình thực hiện, cập nhật các mục thu phí, lệ phí theo Luật phí, lệ phí năm 2015 Quốc hội mới thông qua, sắp xếp lại thứ tự các Tiểu mục. Trong đó rà soát loại bỏ 51 Tiểu mục (433 Tiểu mục mới so với 484 Tiểu mục cũ). Mục, Tiểu vay và trả nợ gốc vay: Rà soát loại bỏ 17 Tiểu mục không đòi hỏi theo dõi chi tiết (25 Tiểu mục mới so với 42 Tiểu mục cũ). Tổng số rà soát, lược bỏ và gom lại 119 Tiểu mục không phát sinh trong quá trình thực hiện, không phục vụ công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan tài chính, kho bạc. Ngoài ra, còn bổ sung một số tiểu mục mới, phát sinh theo yêu cầu quản lý. Cũng theo Bộ Tài chính, Mục lục NSNN mới cũng sẽ cập nhật bổ sung theo nội dung, danh mục mã nguồn NSNN (Nguồn trong nước, ngoài nước) theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS và Công văn số 17791/BTC-KBNN ngày 23/12/2013 về việc bổ sung mã nguồn vốn chi đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời, sửa tên các mã nguồn NSNN 12, 13, 14, 16 phù hợp với quy định tại khoản 3 và 4 Điều 64 Luật NSNN năm 2015. Bỏ mã nguồn 18 do không còn thực hiện. Đối với các mã khác, danh mục mã chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia; mã cấp NSNN được giữ nguyên phương án như hiện nay, do không có sự thay đổi về cơ chế quản lý. Đối với chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia sẽ được cập nhật, bổ sung sau khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định mới, cụ thể từng dự án. Trước đó, ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua Luật NSNN năm 2015, trong đó đã quy định rõ các nội dung chi NSNN, nhiệm vụ chi ngân sách trung ương, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, được thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên được chi tiết theo 13 lĩnh vực chi. Ngoài ra, danh mục Loại, Khoản trong Mục lục NSNN hiện hành (được ban hành theo Quyết định số 33/2009/QĐ-BTC và các văn bản bổ sung, sửa đổi) không thống nhất với danh mục mã nhiệm vụ chi ngân sách. Mục lục NSNN hiện hành cũng có một số hạn chế, ví dụ có nhiều Mục, Tiểu mục khá chi tiết; một số Mục, Tiểu mục không được định nghĩa khái niệm cụ thể, không có sự phân biệt rõ ràng với các Mục, Tiểu mục khác; một số Mục, Tiểu mục trên thực tế không phát sinh; một số không còn phù hợp theo quy định mới. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Mục lục NSNN để phù hợp với Luật NSNN năm 2015 và khắc phục tồn tại, hạn chế của hệ thống phân loại ngân sách hiện hành./. Hoàng Lâm |