Viễn cảnh Mỹ tấn công Syria trả đũa cho một cuộc tấn công bị cho là sử dụng vũ khí hóa học cùng với cuộc tấn công bằng tên lửa mà Nga và Syria cáo buộc Israel là thủ phạm, nhằm vào một căn cứ không quân trên lãnh thổ Syria làm nhân viên quân sự của Iran thiệt mạng đã thổi bùng nguy cơ xung đột leo thang lên cấp độ nguy hiểm. Hơn bao giờ hết, Syria đang đứng trước nguy cơ trở thành một đấu trường để các cường quốc “dàn xếp tỷ số”. “Hết giờ” để Mỹ can thiệp Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/4 đã cảnh báo rằng Tổng thống Syria Bashar Al-Assad sẽ phải trả cái giá đắt nhất cho việc quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học, các nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu những cuộc tấn công của Mỹ có ảnh hưởng đến diễn biến trên chiến trường và ngăn cản quân Chính phủ Syria tiếp tục giành thêm lợi thế trước lực lượng đối lập? Hôm 9/4, quân nổi dậy Syria bắt đầu sơ tán khỏi khu vực ngoại ô Damascus – nơi từng xảy ra các cuộc tấn công bị cho sử dụng khí độc. Động thái này diễn ra sau khi lực lượng nổi dậy đồng ý với thỏa thuận đầu hàng, qua đó quân Chính phủ khôi phục quyền kiểm soát khu vực này lần đầu tiên sau 6 năm. Chuyên gia Emile Hokayem thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định, các cuộc tấn công của Mỹ (nếu xảy ra) sẽ không làm thay đổi quỹ đạo hiện nay của lực lượng Assad mà thậm chí có thể làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. “Có thể có một cuộc tấn công diện hẹp làm cho Mỹ tự thỏa mãn nhưng nếu không có quan điểm vĩ mô hơn hoặc chiến lược rộng lớn hơn cho toàn bộ cuộc xung đột ở Syria thì những đòn đánh của Mỹ chẳng khác nào ‘đổ thêm dầu vào lửa’ mà không đạt được bất kỳ mục tiêu nào”, ông Hokayem nói. Chuyên gia Hokayem nói thêm: “Thời gian để can thiệp đã qua”. Nấc thang căng thẳng mới Xung đột Syria đứng trước nấc thang căng thẳng mới khi hai chiếc máy bay chiến đấu được cho là của Israel đã tấn công căn cứ không quân T-4 ở tỉnh Homs của Syria sáng sớm 9/4.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, “Trong khoảng thời gian từ 3h25 đến 3h53 sáng 9/4 (theo giờ Moscow), hai chiếc máy bay F-15 của Lực lượng Không quân Israel đã tiến hành một cuộc không kích trong đó có sử dụng tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân T-4 của Syria từ lãnh thổ Lebanon mà không đi vào không phận Syria”. 5 trong số 8 quả tên lửa từ máy bay F-15 của Israel đã bị Lực lượng không quân Syria đánh chặn. 3 quả tên lửa còn lại đã trúng sườn phía tây của căn cứ không quân T-4. Không có cố vấn quân sự nào của Nga bị thương trong vụ tấn công căn cứ này. Trong khi đó, hãng thông tấn Fars của Iran cho hay, có 4 người Iran nằm trong số 14 người thiệt mạng trong vụ việc này. Israel cho đến nay không thừa nhận thực hiện vụ không kích này. Ở Washington, Tổng thống Trump cho biết đội ngũ của ông vẫn đang tranh cãi về biện pháp trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ở thị trấn Douma – thành trì chính trị cuối cùng của phe nổi dậy ở ngoại ô Đông Ghouta hôm 7/4. Nga và Syria đã phủ nhận cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công này. Đông Ghouta là khu vực quan trọng cuối cùng ở vùng lân cận thủ đô mà lực lượng nổi dậy kiểm soát và chiến thắng của lực lượng Chính phủ Syria ở đây rõ ràng là một cột mốc quan trọng trong bước tiến của ông Assad trong việc đánh bại các đối thủ trên chiến trường. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Trump hồi tuần trước tuyên bố rằng ông muốn rút quân ra khỏi vùng Đông Bắc Syria. Theo ông Faysal Itani, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, điều này làm suy yếu các tác động của một cuộc tấn công nếu xảy ra vào thời điểm này và nó không thể làm chậm bước tiến của quân đội Syria. Các nước lớn và toan tính trước tình hình mới ở Syria Giới phân tích chỉ ra rằng, nếu Mỹ tiến hành một cuộc tấn công ở quy mô tương tự như đợt dội tên lửa Tomahawk hồi tháng 4/2017 để trả đũa cuộc tấn công bị cho là sử dụng chất độc thần kinh sarin làm nhiều dân thường thiệt mạng ở thị trấn Khan Sheikhoun, miền bắc Syria, sẽ không tạo ra sự khác biệt. Nếu tiến hành một cuộc tấn công lớn hơn, Mỹ lại có thể vướng vào nguy cơ đối đầu với Nga và Iran. Ông Itani nói rằng, lực lượng Mỹ với chỉ vỏn vẹn 2.000 quân triển khai ở đông bắc Syria cùng với các tay súng người Kurd đặc biệt dễ bị tổn thương nếu phải hứng chịu đòn tấn công trả thù từ Iran và Syria. Iran cũng có thể gây cản trở cho Mỹ ở Iraq. Đương nhiên, chính quyền Trump không muốn vướng vào khó khăn có thể phát sinh như vậy. Trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra hôm 8/4, Moscow cũng đã cảnh báo các cuộc tấn công của Mỹ ở Syria sẽ có “hậu quả nghiêm trọng”. Nhà phân tích người Nga Vladimir Frolov cho rằng, Tổng thống Putin có thể nắm bắt các cuộc không kích của Mỹ như là một cơ hội để thúc đẩy đối đầu và buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. “Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba có thể là khuôn mẫu mà ông Putin đang muốn hướng đến lúc này. Trước tiên là xảy ra xung đột quân sự, sau đó kêu gọi ông Trump gặp thượng đỉnh để giảm căng thẳng. Nga muốn Mỹ rút khỏi Syria càng sớm càng tốt, vì vậy nếu xung đột xảy ra và Trump quyết định rút quân thì ông Putin sẽ có được thắng lợi kép”. Theo chuyên gia phân tích Michael Horowitz của Le Beck International - chuyên về tư vấn địa chính trị và an ninh trên đất liền, Israel đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện của quân đội Iran ở Syria và Chính quyền Benjamin Netanyahu có thể coi những lời đe dọa của ông Trump hôm 8/4 là một cơ hội. “Thời điểm không kích không phải là ngẫu nhiên”, ông Horowitz nói. “Bằng việc không kích lực lượng của Assad và đồng minh của ông ta [Iran-ND] chỉ một ngày sau khi Trump cảnh báo họ về mức giá phải trả… Israel sẽ giảm thiểu nguy cơ phản ứng của Iran”. Horowitz nói thêm: “Israel đã cố gắng thuyết phục Washington chấp nhận một chiến lược chủ động hơn chống Iran ở Syria và chắc chắn sẽ nhìn thấy những lời hùng biện của Trump sau vụ tấn công hóa học như là một cơ hội”. Nga và Syria luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn 7 năm qua ở Syria và trong trường hợp này, họ cáo buộc phiến quân tạo ra một sự kiện giả để kích hoạt sự can thiệp của Mỹ. Khu vực Đông Ghouta nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy trong 6 năm và bị quân Chính phủ bao vây trong gần 5 năm qua. Điều này làm cho việc kiểm tra độc lập các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học là điều không thể. Ngoại ô thủ đô Damascus gồm cụm các thị trấn nông thôn và làng mạc là một trong những trung tâm của cuộc nổi dậy năm 2011 chống lại Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và đây cũng chính là nơi xảy ra một cuộc tấn công bằng khí độc thần kinh sarin năm 2013 làm 1.400 người thiệt mạng. |