Chế tài xử phạt như thế nào?
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, có một số dự án nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT và IPP triển khai chậm tiến độ, ảnh hưởng tới phát triển chung của ngành Điện.
Đối với những dự án điện đầu tư theo hình thức BOT, cơ quan Chính phủ chỉ có thể phạt sau khi nhà đầu tư đã ký Hợp đồng BOT.
Đối với các dự án IPP, hiện nay Chính phủ chưa có chế tài xử phạt. Vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu xây dựng cơ chế xử lý nhằm đảm bảo các dự án triển khai theo đúng tiến độ đã cam kết.
Đến nay, Bộ Công thương vừa hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý các các dự án điện đầu tư theo hình thức IPP và BOT chậm tiến độ và gửi xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan.
Tham gia ý kiến vào dự thảo này, Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo tính phù hợp về mặt pháp luật của văn bản, Bộ Công Thương cần có Báo cáo rà soát các khó khăn, hạn chế về pháp lý đối với quá trình quản lý các dự án điện và cân nhắc hình thức văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để khắc phục những vướng mắc, hạn chế này; theo đó, có thể bổ sung điều chỉnh Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 hoặc xây dựng một Nghị định mới.
Trường hợp Bộ Công Thương thấy cần thiết phải ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh kịp thời tiến độ đầu tư các dự án điện BOT, IPP, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ ban hành một Nghị quyết về điều hành, quản lý các dự án điện BOT, IPP trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đó ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để pháp quy hóa việc thực hiện Nghị quyết này.
Tránh tạo gánh nặng không cần thiết cho nhà đầu tư
Trên thực tế, các dự án BOT nhiệt điện đang phải thực hiện nộp bảo lãnh theo hai bước: Bảo lãnh ban đầu (thường tương đương 1% vốn đầu tư của dự án) và bảo lãnh thực hiện hợp đồng (thường tương đương 2% vốn đầu tư của dự án).
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương giải thích lý do đối với dự án IPP chỉ chọn 1 mức giá trị bảo lãnh, trong khi trách nhiệm của nhà đầu tư trong từng giai đoạn là khác nhau và mức giá trị bảo lãnh cần tương đồng với trách nhiệm của nhà đầu tư trong từng giai đoạn.
Đối với cơ chế xử lý các nhà máy điện TPP chậm tiến độ, theo dự thảo Quyết định, bảo lãnh phát triển dự án sẽ bị khấu trừ 20% đối với mỗi lần chậm 60 ngày làm việc so với mốc tiến độ đã cam kết trong cam kết phát triển dự án.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, nội dung cam kết phát triển dự án có nhiều mốc phụ thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan chức năng của Chính phủ. Ngoài ra, có một số mốc bao gồm rất nhiều các hoạt động nhỏ.
Đơn cử như: tiến độ lập và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình (thiết kế kỹ thuật và tổng mức dự toán), tiến độ lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng, bao gồm: ngày trình; ngày phê duyệt.
Tiến độ đàm phán và ký kết các Hợp đồng chính của dự án, bao gồm: Hợp đồng thuê đất; Hợp đồng vay vốn; Hợp đồng mua bán điện; Hợp đồng xây dựng; Hợp đồng cung cấp thiết bị; Hợp đồng EPC.
Tiến độ khởi công và xây dựng, bao gồm: Ngày khởi công chính thức dự án; ngày vận hành thương mại từng tổ máy; ngày vận hành thương mại toàn bộ nhà máy.
Như vậy, để đảm bảo tính khách quan và khả thi trong việc thực hiện Quyết định này, tránh tạo gánh nặng không cần thiết cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, không nên lựa chọn những mốc cam kết là các hợp đồng phải đàm phán với chính phủ (do thời gian hoàn tất đàm phán phụ thuộc vào phía Chính phủ) và việc xử phạt chỉ áp dụng khi nhà đầu tư chậm tiến độ các nội dung thuộc trách nhiệm chủ quan của nhà đầu tư (ví dụ như: ngày nhà đầu tư trình, không lấy mốc là “ngày phê duyệt”).
“Các mốc tiến độ được lựa chọn để phạt nên là các mốc có ý nghĩa quyết định đối với tiến độ triển khai dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm tự thu xếp các bước nhỏ trước đó để đạt được mốc cam kết đúng hạn”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Tài chính, cách thức sử dụng số tiền thu được từ nguồn phạt vi phạm chậm tiến độ của các dự án sẽ được Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và trao đổi với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng hướng dẫn, theo đúng quy trình xây dựng văn bản pháp quy.
Các dự án đầu tư theo hình thức BOT đang được Chính phủ quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 và Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 5/4/2011 sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP; hình thức IPP chưa được quy định tại pháp luật hiện hành. |
H.TR