Thị trường vững tin bước qua đại dịch Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ khi giảm điểm rất mạnh trong thời gian đầu đại dịch xuất hiện (quý I/2020),F0nhận định chivas nhưng đã nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ trong suốt năm 2020. Bước sang năm 2021, TTCK tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2021. Dù điều chỉnh giảm khá mạnh trong tháng 7, song đây là nhịp giảm cần thiết và thực tế TTCK đã dần hồi phục từ đầu tháng 8 tới nay. TTCK duy trì đà tăng liên tục là do sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, một yếu tố nhận thấy rất rõ nét là sự gia tăng đến bất ngờ của nhà đầu tư (NĐT) mới hay còn được gọi là NĐT “F0”. Thống kê cho thấy, từ tháng 3/2020 đến nay, số lượng tài khoản NĐT mở mới tiếp tục tăng mạnh qua từng tháng. Đặc biệt, từ tháng 3/2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới hàng tháng liên tục lập kỷ lục trong lịch sử thị trường, khi duy trì 5 tháng liên tiếp đều vượt mốc 100.000 tài khoản mở mới/tháng (đỉnh điểm là tháng 6/2021 với 141.000 tài khoản mở mới). Sự tham gia mạnh mẽ của NĐT cá nhân mới cũng gắn liền với dòng tiền “F0” gia nhập TTCK và đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của điểm số và thanh khoản. Chỉ số VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại và đi kèm với đó là thanh khoản TTCK Việt Nam cũng liên tiếp lập kỷ lục mới. Từ năm 2019 trở về trước, việc thanh khoản bình quân phiên đạt mức “tỷ đô” dường như là điều mà nhiều NĐT kỳ cựu ít dám nghĩ tới. Vì vậy, với những phiên thanh khoản đạt tới 30 – 31 nghìn tỷ đồng trong thời gian gần đây đã vượt qua cả mong đợi. Hạn chế can thiệp hành chính vào thị trường “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kiên định với việc hạn chế can thiệp hành chính vào thị trường, đảm bảo thị trường được hoạt động xuyên suốt, công bằng, minh bạch. Đồng thời, UBCKNN tăng cường triển khai Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn luật và đặc biệt đang xây dựng để ban hành Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Công ty Quản lý quỹ Vinacapital cho biết, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới của các NĐT cá nhân đã tăng gấp đôi trong năm 2020 và chỉ trong nửa đầu năm 2021, tổng số tài khoản mới nhiều hơn số tài khoản mới trong năm 2019 và 2020 cộng lại. Ông Michael Kokalari lý giải rằng, sự sôi động của TTCK gần đây một phần bắt nguồn từ mức giảm khoảng 1,5% của lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm, cũng như từ kỳ vọng tăng trưởng 36% của thị trường trong năm 2021 so với năm trước. “Lãi suất bắt đầu giảm từ đầu năm 2020 đã thúc đẩy nhiều người tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế khi các khoản tiền gửi của họ đáo hạn, tương ứng với sự gia tăng số tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân mở mới hàng tháng trong biểu đồ trên” – Chuyên gia Kinh tế trưởng của Vinacapital cho hay. “NĐT Việt Nam vốn ưu tiên đầu tư vào bất động sản, vàng rồi mới đến chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam gần đây giảm dần vì một số lý do, bao gồm việc chậm trễ tiến độ xây dựng do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trong khi vàng hiện cũng mất dần sức hút khi chênh lệch giá mua bán đã thu hẹp từ năm ngoái và vì giá vàng Việt Nam đã cao hơn 17% so với giá vàng thế giới. Do vậy, chứng khoán là lựa chọn hàng đầu” – ông Michael Kokalari phân tích thêm. Sự khởi đầu của xu thế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ Theo ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong phòng ngừa dịch bệnh, các chính sách đồng bộ của Chính phủ như chiến dịch tiêm vắc-xin... hy vọng sớm kiểm soát được dịch bệnh, qua đó đảm bảo tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia thu hút FDI tốt và Chính phủ có quyết tâm cao về kiểm soát lạm phát, duy trì mặt bằng lãi suất thấp. “UBCKNN kiên định với việc hạn chế can thiệp hành chính vào thị trường, đảm bảo thị trường được hoạt động xuyên suốt, công bằng, minh bạch. Đồng thời, UBCKNN tăng cường triển khai Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn luật và đặc biệt đang xây dựng để ban hành Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết thêm. “Bên cạnh đó, UBCKNN và các đơn vị liên quan đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin toàn thị trường (KRX) – đây là cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới của TTCK. Cùng với đó, cơ quan quản lý đang thực hiện tái cấu trúc thị trường trên cơ sở 4 trụ cột hàng hóa, NĐT, tổ chức kinh doanh chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán, nhằm tăng chiều sâu cho thị trường thời gian tới” – ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ thêm. Còn theo ông Michael Kokalari, trong bối cảnh không có nhiều giải pháp đầu tư khác hấp dẫn hơn, thì tỷ lệ tham gia của NĐT cá nhân hiện tại vẫn còn rất thấp so với quy mô dân số - đây là cơ hội lớn cho sự phát triển ổn định của TTCK trong tương lai. “Dù có sự gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, số lượng người có tài khoản chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước, con số này tương đương với tỷ lệ người dân Đài Loan có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986. Chúng tôi tin rằng, TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ” – Chuyên gia Kinh tế trưởng của Vinacapital phân tích và nhấn mạnh. Ông Michael Kokalari còn cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người dân tham gia TTCK lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030 - đây là những mục tiêu khả thi nếu so sánh với quá trình gia nhập thị trường của các NĐT cá nhân ở Đài Loan tại giai đoạn phát triển kinh tế tương tự với Việt Nam hiện nay. GDP bình quân đầu người 3.500 USD của Việt Nam tương đương với con số 4.000 USD của Đài Loan (tính theo sức mua của đồng USD năm 2020). Ở thời điểm đó, tỷ lệ tham gia NĐT cá nhân tham gia chứng khoán của nước này vẫn chỉ là 3%. * Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam: Ngoài vấn đề khung pháp lý, nền tảng hệ thống công nghệ rất quan trọng, trong đó có gói thầu với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) sẽ tạo điều kiện rất lớn để thị trường phát triển thêm nhiều sản phẩm, nghiệp vụ mới trong giai đoạn tới. Có 2 nội dung liên quan sản phẩm chúng tôi đang chuẩn bị trên nền tảng công nghệ mới là mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở và các sản phẩm như giao dịch trong ngày (T+0). CCP khi được áp dụng thì NĐT chỉ cần ký quỹ tỷ trọng nhỏ 10 - 20%, thay cho việc phải ký quỹ 100% như hiện nay. Đồng thời, hệ thống công nghệ mới sẽ cho phép triển khai các dịch vụ mới như bán chứng khoán chờ về hay giao dịch trong ngày, …. Khi những vấn đề này được xử lý thì khả năng được nâng hạng thị trường cũng sẽ tích cực hơn. * Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Vinacapital: Làn sóng NĐT cá nhân hiện nay đầu tư vào TTCK Việt Nam được thúc đẩy bởi mức lãi suất giảm và thu nhập doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, và là một bước tiến mới trong sự phát triển của thị trường mà chúng tôi dự đoán sẽ diễn ra trong suốt những thập kỷ tới. Tỷ lệ tham gia ngày càng cao của các NĐT trong nước dù còn khiêm tốn so với những “Con hổ châu Á” như Đài Loan, nhưng chúng tôi tin rằng, TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ. Thái Duy |