游客发表
Chị Linda vẫn nhớ như in lần đầu bắt gặp ánh mắt to tròn, đen láy nhưng đượm buồn của cô bé nhỏ xíu, đen nhẻm, ngồi lọt thỏm trong rổ xe của bà ngoại. Hôm đó, trời mưa rả rích, cô bé co ro vì lạnh, trên người chỉ mặc chiếc áo mưa mỏng manh.
“Tôi cũng là một người mẹ. Nhìn cảnh cô bé ngồi trong rổ xe, ánh mắt hồn nhiên, có lúc ngủ gật gù, cùng bà ngoại đi qua những ngày nắng dãi mưa dầm để có 2 bữa no lòng tôi xót xa quá”, chị Linda chia sẻ. Dò hỏi mới biết bé tên Lý Bảo Ngà (tên gọi thân thương là bé Su). Cô bé sống cùng ông bà ngoại ngay sau nhà vệ sinh công cộng ở bến đò Phường 2, TP Cà Mau. Họ sống trong một căn chòi nhỏ dựng tạm che mưa gió. Ông ngoại bị tai biến không đi lại được, nên bé Su theo bà bán vé số kiếm từng bữa cơm.
Mới mấy tháng tuổi, bé Su đã cùng bà ngoại bươn chải mưu sinh. Ảnh: THIÊN VŨ |
Giúp tôi thấu hiểu hoàn cảnh, chị Linda cho số điện thoại bà ngoại cô bé. Ít phút, bà Bào Thị Ngọc Giàu đã dựng xe trước cửa quán cà phê của chị Linda. Gói ghém xấp vé số còn hơn hai phần ba, bà Giàu giọng buồn: “Sáng nay bán chậm”.
Bà Giàu năm nay 55 tuổi. Bán vé số là nghề mưu sinh, nhưng hễ ai cần người rửa chén, quét dọn nhà cửa, giặt đồ thuê... là bà nhận làm. Khi tôi hỏi về cha mẹ bé Su, bà Giàu đáp gọn lỏn: “Người đi tù, người cải tạo”.
Giọng bà buồn bực, giận dỗi, pha lẫn xót thương: “Tôi có duy nhất đứa con gái là mẹ con Su. Năm nay mới hai mấy tuổi mà đi cải tạo 2 lần. Chồng nó thì bị bắt ở tuốt Bình Dương. Từ hồi con Su sinh ra có được cha mẹ thương yêu đâu, bỏ nó cho tôi nuôi tới giờ. Khuyên hoài mẹ nó không thay đổi, tôi cũng đành”. Nói là chồng, là con rể, chứ cha mẹ bé Su không chính thức cưới xin. Họ sống chung bên nội, đến khi mang bầu, con gái bà về sống, sinh nở cô bé được mấy tháng rồi bỏ đi luôn. Ông ngoại Su bệnh tai biến đã nhiều năm, liệt nửa người, vậy là ông bà với đứa cháu nhỏ tựa nương nhau trong căn chòi mé sông cho đến nay.
“Nó nhỏ quá, đi bán tôi phải bỏ vô rổ xe. Thương cháu vất vả, nhưng vì cuộc sống, phải dẫn nó theo”, bà Giàu bộc bạch.
Cũng chính vì vậy, từ ngày gặp mặt, chị Linda bắt đầu hỗ trợ sữa, bánh, quần áo, chi phí sinh hoạt và đã nhiều lần chia sẻ trên Facebook cá nhân về hoàn cảnh bà cháu Su để kêu gọi sự giúp đỡ từ nhà hảo tâm. Chị mong muốn làm được điều gì đó cho bé thật ấm áp và lâu dài. Mỗi người một ít giúp bé được đến trường để nhận được sự yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ.
Su sống cùng ông bà ngoại trong căn lều tạm dưới mé sông Phường 2, TP Cà Mau. Ảnh: THIÊN VŨ |
Và chị đã nhờ người làm giấy khai sinh cho Su, tìm trường mầm non gửi con vào học. Tháng 11/2018, chị viết dòng trạng thái: “Viết cho con gái nhỏ. Hôm nay là lần thứ 7 cô gặp con và cũng là ngày thứ 7 con được đến trường. Thương con, từ bé đã xa rời vòng tay mẹ, sống thiếu thốn, phiêu bạt mưu sinh... Biết sức mình nhỏ bé không giúp được con nhiều, cô chỉ mong con được ấm no ngày 2 bữa, lớn một chút nữa thì được học chữ hay học một cái nghề để ổn định tương lai. Cố lên con gái nhỏ vì cuộc đời này không ai có thể chọn nơi mình sinh ra. Cô mong con sẽ mạnh mẽ vượt lên những khó khăn, thử thách, thay đổi cuộc đời một cách tốt đẹp hơn”.
Tuy nhiên, lần đó Su học không lâu thì nghỉ, con bệnh và vì gia cảnh... Chị Linda lại bắt gặp cảnh Su vắt vẻo trên rổ xe, giấc ngủ không tròn, thân thể gầy yếu theo bà đi bán vé số mà gương mặt vẫn trong sáng, vô tư, không biết tương lai mình như thế nào. Lần nữa chị xót xa.
Chị Linda kể về lần ghé cái chòi che lụp xụp nương nhờ vào vách nhà vệ sinh công cộng Phường 2. Hôm đó, bệnh của ông ngoại Su trở nặng, đã hơn 1 tuần không ăn uống được gì. Bà Giàu chở bé Su đi bán vé số, lâu lâu lại chạy về thay tã, đút nước cho ông. Ông nói: “Tiền bán có bữa còn không đủ nuôi 3 miệng ăn thì tiền đâu mà nhập viện điều trị hả cô? Rồi vào viện ai giữ bé Su?”. Ông nằm đó mà nước mắt rưng rưng, nói lắp bắp, tiếp tục thều thào từng tiếng một: “Tui... ở nhà... chừng nào... chết thì... chết... cô ơi”. Nhớ mãi những câu nói, đêm về chị Nguyễn Võ Linda trăn trở khôn nguôi.
Bằng tình yêu thương, che chở và chăm sóc của một người đã làm mẹ, chị tiếp tục dốc sức tìm cách giúp đỡ, thay đổi cuộc đời Su và gia đình. Chị lại đăng tin tìm trường mầm non nhận bé 28 tháng với lời kêu gọi tha thiết: “Dù hoàn cảnh gia đình của con như thế nào thì trẻ con vô tội, mọi đứa trẻ đều xứng đáng được yêu thương. Nên em mong mọi người giúp em tìm cho bé một mái trường để bé Su được chăm sóc, dạy dỗ nên người. Em cảm ơn nhiều lắm ạ!”. Chị hy vọng tìm được ngôi trường rộng lòng dang tay đón Su, để bà Giàu yên tâm đi bán, có nhiều thời gian chăm sóc ông cụ.
“Bất ngờ và xúc động khi cô chủ Trường Mầm non Hoàng Oanh, chị Trần Thị Vân quyết định nhận nuôi bé trong 3 năm mẫu giáo. Ngày tôi dắt tay Su qua trường, Vân nói: “Chị giao bé cho em”. Hạnh phúc vỡ oà, chị Linda vui mừng khôn xiết.
Đến thăm “ngôi nhà thứ hai” của Su sau khi cô bé vừa ngon giấc say nồng cùng bạn bè trong lớp học. Cô bé vui vẻ ăn bữa trưa cùng các bạn, rồi cùng nô đùa, múa hát. Thật bất ngờ vì bé Su không còn là cô bé lọ lem ngày nào.
Hiện Su đã hơn 3 tuổi, được chị Trần Thị Vân nhận nuôi dạy tại Trường Mầm non Hoàng Oanh hơn 1 tháng nay. Ảnh: BĂNG THANH |
Chị Trần Thị Vân nở nụ cười đôn hậu: “Cô bé thay đổi nhiều, vui hơn, ngoan hơn và hoà nhập tốt. Các cô dành nhiều tình thương cho cô bé với mong muốn con không mặc cảm và vun đắp tình thương mà con thiếu vắng từ cha mẹ”. Chị Vân chia sẻ, ngay lần chị Linda đăng tin tìm trường mầm non cho bé, chị đã gật đầu đồng ý nhận nuôi Su. Nhưng vì nhiều lý do, bà ngoại Su không đưa bé qua học lần đó. Nên khi chị Linda đăng tin lần gần đây, chị Vân liền nhận lời và quyết định nuôi bé Su suốt 3 năm mẫu giáo. Su được học bán trú từ thứ Hai đến thứ Bảy. Đã bước sang tháng thứ 2 ở ngôi trường ngập tràn yêu thương này.
Bà Giàu bày tỏ lòng biết ơn các cô và nhà hảo tâm đã quan tâm, yêu thương Su, cũng như giúp đỡ gia đình từng ngày qua cơn khốn khó. “Su đi học vui, ngoan, về hát hò, nhảy múa. Ngày Chủ nhật không học, Su đòi theo rao bán vé số, nhưng không còn ngồi rổ xe vì con đã lớn. Thương nó mỗi khi ai hỏi cha mẹ con đâu, nó nói đi tù hết rồi. Tôi biết nó không hiểu, nhưng nghe xót lòng”, bà Giàu ứa nước mắt.
“Không đứa trẻ nào được chọn lựa nơi mình sinh ra, nhưng các con xứng đáng được yêu thương, chăm sóc, giáo dục trong môi trường tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Tôi và các cô ở trường sẽ yêu thương, dạy dỗ con với mong muốn “cô bé trong rổ xe” mỗi ngày no bữa, vui tươi, hồn nhiên và không còn bị suy dinh dưỡng, thấp còi”, chị Trần Thị Vân chia sẻ.
Dõi bước theo hành trình gian nan của cô bé Lý Bảo Ngà, chị Linda ví như một câu chuyện cổ tích, còn Su giống cô bé bán diêm, nhưng chị hy vọng rằng câu chuyện của Su sẽ có hậu, vì ngày hôm nay và những ngày về sau... hay ít nhất trong 3 năm mẫu giáo con sẽ được no ấm ngày 2 bữa ở trường.
“Mong là có thể thay đổi cuộc đời bất hạnh của cô con gái nhỏ”, chị Nguyễn Võ Linda kỳ vọng./.
Băng Thanh
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接