Quy hoạch sân bay quân sự Technic chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản, quy mô diện tích khoảng 350ha.
Đầu tư xây dựng 3 cảng cạn tại cửa khẩu Hoa Lư huyện Lộc Ninh với quy mô khoảng 25ha, tại thị xã Chơn Thành với quy mô khoảng 46ha, tại huyện Đồng Phú với quy mô khoảng 40ha.
Đối với phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, tỉnh tổ chức các khu nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và thị xã Bình Long.
Về phát triển hạ tầng điện, Bình Phước tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây truyền tải 500kV, 220kV và 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới, đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt là tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đô thị mới; từng bước ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế hiện có.
Địa phương còn tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn. Trong đó, xây dựng 5 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung theo mô hình khu liên hợp xử lý cho các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để đảm bảo xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung 2 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại huyện Phú Riềng và tại Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư.
Ngoài ra, Bình Phước đầu tư xây dựng khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho Vùng Đông Nam bộ có diện tích khoảng 200ha tại thành phố Đồng Xoài; xây dựng mới, mở rộng quy mô, vận hành có hiệu quả các trung tâm logistics, kho hàng, kho ngoại quan gắn với các đô thị, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, lối thông quan. Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm khai thác hiệu quả vị trí địa chiến lược của tỉnh, phát triển Bình Phước trở thành trung tâm dịch vụ logistics kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Đầu tư xây dựng mới hệ thống kho hàng thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Chơn Thành và các địa bàn phù hợp với nhu cầu trung chuyển, lưu trữ hàng hóa của từng khu vực.
Các chuyên gia nhận định, tỉnh Bình Phước là nơi hội tụ tất cả điều kiện thuận lợi để chủ động đón làn sóng đầu tư nội địa và quốc tế, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế địa phương và cả nước trong thời gian tới. Do đó, hàng năm, tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh như PCI, Par Index, PAPI… để có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, duy trì hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật để ban hành, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; trong đó, ngoài quy định đầy đủ nội dung ưu đãi theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đối với dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Cụ thể, đối với khu vực đô thị thuộc thành phố Đồng Xoài, miễn 25 năm tiền thuê đất nếu không thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 30 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 35 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Đối với khu vực đô thị thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, miễn 30 năm tiền thuê đất nếu không thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 35 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 40 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Đối với khu vực đô thị thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miễn 35 năm tiền thuê đất nếu không thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 40 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê nếu thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Dự án chế biến chuyên sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị từ gỗ, chế biến mủ cao su, chế biến hạt điều, hạt tiêu, chế biến trái cây được ngân sách nhà nước hỗ trợ 10 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
Đối với dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh như, các sản phẩm chế biến hạt điều, chế biến trái cây, chế biến sản phẩm cao su, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm từ thịt lợn, gà; sản phẩm công nghiệp cơ khí, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ khi nhà đầu tư khởi công xây dựng các hạng mục trong khu đất thực hiện dự án, tỉnh Bình Phước sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, đường giao thông đến bên ngoài hàng rào khu đất thực hiện dự án.
Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công để hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ và nhận kết quả giải quyết. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn còn bằng 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm, với mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.