Đó là thắc mắc của khoảng 300 hộ dân ở 2 ấp Long Phụng và Long Phụng A,ờcnướcsạkq cagliari thuộc xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, trước tình trạng nguồn nước dưới tuyến kênh Hậu Giang 3 ngày càng ô nhiễm nặng hơn.
Người dân chỉ đợi lúc nước lớn mới dám xách nước từ dưới kênh Hậu Giang 3 lên sử dụng.
Theo người dân nơi đây, hàng năm, cứ bước vào mùa mưa thì nước dưới tuyến kênh này lại ô nhiễm như vậy. Đến khi nước lũ đổ về thì nguồn nước trở lại bình thường.
Người dân lo lắng
Ông Mai Thanh Sơn, ở ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Ở đây năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng này là nước bắt đầu đỏ đục. Rồi đến khi mưa xuống nhiều thì nước kênh nhạt màu dần. Thế nhưng, không hiểu nguyên nhân vì sao mà nước dưới kênh năm nay lại bị đục ngầu và kéo dài lâu hơn mấy năm trước nữa. Cũng may, nước giếng khoan ở khu vực này cũng khá tốt nên mới an tâm sử dụng. Chứ thật sự gia đình cũng không biết phải sử dụng nguồn nước nào khác để sinh hoạt”.
Dù đã có nước giếng khoan, nhưng nguồn nước sinh hoạt của các hộ gia đình cũng đều phụ thuộc một phần vào nguồn nước từ kênh Hậu Giang 3. Trong khi đó, chất lượng nước dưới dòng kênh này ngày càng ô nhiễm nặng hơn. Bởi không chỉ nước rừng tràm từ Lâm trường Phương Ninh chảy ra, mà còn bị ảnh hưởng đáng kể của việc phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm tràn lan. Vì vậy đã khiến cho cư dân nơi đây cảm thấy lo lắng đến sức khỏe của gia đình mình.
Ông Ngô Hoàng Giang, ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, cho rằng: “Tuy đã có nước giếng khoan, nhưng do nước bị nhiễm phèn nên gia đình vẫn còn sử dụng nước sông để sinh hoạt. Dù biết là ô nhiễm nhưng đành phải dùng, bởi chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Mấy hôm nay có mưa rồi còn đỡ, chứ trước đó nguồn nước dưới kênh đỏ ngầu, không dám rửa tay chân. Bây giờ, nếu muốn xài thì gia đình phải đợi lúc nước lớn”.
Mong sớm đầu tư
Ông Ngô Hoàng Giang chia sẻ thêm: “Người lớn như chúng tôi còn chịu được, chỉ tội mấy đứa nhỏ sống trong khu vực này. Cho nên chúng tôi rất mong muốn nơi đây được đầu tư trạm cấp nước tập trung để người dân có nước sạch sử dụng”. Còn ông Mai Chí Hùng, Trưởng ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng, cho hay: “Trong các kỳ tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị với đại biểu HĐND về việc kéo nước sạch cho người dân trong ấp sử dụng. Thế nhưng đã nhiều năm nay vẫn chưa thấy chuyển biến”.
Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, khẳng định: Tình trạng nguồn nước dưới tuyến kênh Hậu Giang 3 bị đỏ ngầu xuất hiện mới đây là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, nguyên nhân không hoàn toàn từ Lâm trường Phương Ninh mà ra. Bởi, ngay thời điểm xảy ra tình trạng trên đã xuất hiện mưa lớn nên ngay sau khi dứt mưa, thủy triều rút mạnh đã kéo theo nước từ lâm trường và nước thải từ ruộng lúa của người dân chảy xuống kênh. Đó là chưa kể nước thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xuất hiện cục bộ trong thời gian ngắn và có thể xảy ra vài lần trong năm.
Theo ông Út, hiện tỷ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn xã chỉ mới chiếm 20%, số còn lại đa phần sử dụng nước giếng khoan và nước sông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Thời gian qua, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị được đầu tư trạm cấp nước tập trung. Thế nhưng do địa bàn rộng, vốn đầu tư không có nên rất khó thực hiện. Tuy nhiên, tới đây, địa phương sẽ tiếp tục vận động xã hội hóa, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện đầu tư các trạm cấp nước sạch để từng bước giúp cho người dân tiếp cận được nguồn nước máy, an toàn và chất lượng hơn.
Bài, ảnh: THANH THÚY