Mục tiêu của kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công; đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của đầu tư công.
TP. Hà Nội cũng xác định rõ vai trò và định hướng đầu tư công theo nguồn vốn và các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước của thành phố bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 11,5 - 12,0%, giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10 - 10,5% GRDP.
Theo kế này, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút tối đa, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư. Tổng vốn đầu tư xã hội cần huy động giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1,7 - 1,75 triệu tỷ đồng.
Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020, TP. Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã được duyệt tại các nghị quyết của HĐND thành phố; có các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ ngân sách thành phố bảo đảm đầu tư tập trung, hiệu quả, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải trước đây. Thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công tư có phần Nhà nước tham gia trong dự án.
Ngân sách thành phố chỉ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu của thành phố, các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn trong nước ngoài ngân sách tập trung cho các lĩnh vực: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại; du lịch, khách sạn; nông nghiệp công nghệ cao...
Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ định hướng thu hút các dự án chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng có tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia…
Cùng với đó, kế hoạch còn nêu rõ, thành phố sẽ công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư; chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Trong đó, đặc biệt đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án, nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các bên liên quan đến dự án…/.
Khánh Linh