Nhanh chóng vào cuộc sau giãn cách Sau khi UBND TP. Hà Nội có Chỉ thị 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, mỗi doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có phương án, kịch bản riêng để đưa ra giải pháp linh hoạt nhanh chóng vào cuộc sau giãn cách, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Cũng như nhiều DN khác, ngay sau giãn cách, người lao động Tổng công ty May 10 – CTCP (May 10) đã phát động thi đua, nỗ lực sản xuất để kịp các đơn hàng, thực hiện những đơn hàng cũ và chuẩn bị sẵn sàng đơn hàng mới. Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 cho biết, nếu như trước đây, công ty có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ tháng 3 - 6 tháng, nhưng kể từ khi có dịch thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày. Để làm được điều đó, May 10 huy động người lao động có thể làm thêm giờ hàng ngày, hoặc làm thêm một vài chủ nhật trong tháng bù đắp những thiếu hụt do không giao hàng kịp của những lần giãn cách trước... Với tâm thế khẩn trương và tin tưởng khi thành phố mở cửa, các DN nỗ lực sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế, ông Bùi Bá Thiện - Tổng giám đốc của Công ty CP Thương mại quốc tế Thịnh Long cho hay, Thịnh Long đã lên tất cả mọi phương án, kịch bản xấu nhất, chẳng hạn nhập 100% nguyên vật liệu trong nước dự phòng để không bị nhỡ đầu vào. Do vậy, sản phẩm của DN đã được cung cấp cho nhiều bệnh viện trong nước, đặc biệt DN đã thuê kho chứa nhằm đáp ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Với những đơn hàng đã ký kết, DN đốc thúc sản xuất để trả hàng cho kịp thời, đúng tiến độ, còn đối tác mới vẫn đáp ứng đủ, không sợ đứt gãy chuỗi cung ứng. Thậm chí, để phục vụ các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, DN sản xuất ra các loại khẩu trang có dây qua đầu, điều chỉnh theo ý muốn, rất thuận lợi. Thực tế, hiện DN Thịnh Long đã đầu tư máy móc chuyển sang phân khúc cao cấp may khẩu trang y tế N95 xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, với hơn 70 lao động và công suất đạt khoảng 15 triệu chiếc/tháng, đủ đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp Cùng với sự nỗ lực, sáng tạo sẵn sàng duy trì sản xuất, kinh doanh khi được nới lỏng, cộng đồng DN đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP. Hà Nội được cụ thể hóa qua việc hoãn và giãn đóng thuế, điều chỉnh lãi suất cho vay; tạo thuận lợi cho việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu... Điển hình, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, “tiếp sức” DN, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn. Ví dụ, việc thực hiện Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội triển khai Nghị quyết số 68/2021/NĐ-CP một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay, hơn 5.400 hộ kinh doanh đã gửi đề nghị hỗ trợ đến UBND các xã, phường, thị trấn. Trong đó, 4.047 hộ kinh doanh được UBND cấp xã gửi sang cơ quan thuế thẩm định; cơ quan thuế đã thẩm định đối với 3.908 hộ kinh doanh… Không chỉ cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các văn bản của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND TP. Hà Nội. Song song đó, tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, xem xét các khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh... Đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 57,7 nghìn khách hàng với dư nợ 74,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 189 nghìn khách hàng với dự nợ 334,8 nghìn tỷ đồng… Tuy nhiên, để ổn định sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch, nhiều DN mong muốn được thành phố hỗ trợ để sớm tiếp cận nguồn vắc-xin tiêm phòng cho người lao động; đồng thời có thêm giải pháp bảo đảm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất… Theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội Trịnh Thị Ngân, theo Chỉ thị 22 thì DN chỉ bố trí sản xuất, kinh doanh được 50% số lao động. Đây là điều khó khăn cho DN. 3 tháng cuối năm là cơ hội phục hồi sản xuất, DN buộc phải tăng tốc mới kịp trả đơn hàng cho khách và làm cơ sở ký hợp đồng cho năm sau. Nếu lao động bị hạn chế, DN khó bảo đảm sản xuất được bình thường và bù kế hoạch cho 2 tháng bị giãn cách chống dịch. Vì vậy, bà Trịnh Thị Ngân đề xuất nên chăng giao quyền chủ động cho DN bố trí sản xuất sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch; nhất là tiêm đủ mũi 2 vắc-xin cho người lao động để DN bứt phá trong thực hiện kế hoạch giao hàng kịp thời cho đối tác. Không những vậy, mỗi DN tự phải bố trí phương án sản xuất để phòng chống dịch tốt, bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh tiến độ sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, DN đang mong chờ giải pháp của Nghị quyết 105 của Chính phủ sớm đi vào thực tiễn để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Khánh Linh |