So sánh giữa hai lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, lĩnh vực hàng hóa đã phục hồi nhanh chóng. Theo ngân hàng JPMorgan Chase, doanh thu bán lẻ toàn cầu đã phục hồi về mức trước đại dịch vào tháng 7/2020. Sản lượng của nhà máy toàn cầu đã phục hồi lại gần như toàn bộ các mức sụt giảm trong thời kỳ phong tỏa. Ở chiều ngược lại, hoạt động của dịch vụ vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trước đại dịch, phần lớn do lĩnh vực này dễ bị tổn thương trước việc người dân tránh tụ tập đông người. Theo dữ liệu của nền tảng đặt chỗ OpenTable, số thực khách trong các nhà hàng trên toàn thế giới vẫn thấp hơn 30-40% so với bình thường. Số chuyến bay được lên kế hoạch cũng chỉ bằng một nửa so với trước khi đại dịch xảy ra. Tương quan hoạt động kinh tế giữa các quốc gia thậm chí còn khác biệt hơn. Dù các nền kinh tế đều có một điểm chung là tốc độ tăng trưởng âm, nhưng mức độ sụt giảm về sản lượng lại có sự khác biệt rất lớn. Ngày 16/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra bản dự báo kinh tế mới, trong đó nhận định triển vọng kinh tế thế giới bớt ảm đạm hơn những tháng gần đây. Tuy nhiên, khoảng cách tăng trưởng giữa các nước hoạt động tốt nhất và kém nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2020 dự kiến là 6,7%, lớn hơn nhiều so với cuộc suy thoái toàn cầu một thập kỷ trước. Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ có Trung Quốc là tăng trưởng. Một số quốc gia, như Mỹ và Hàn Quốc, đối mặt với suy thoái nhưng không đến mức thảm họa. Ngược lại, nước Anh dường như rơi vào suy thoái sâu sắc nhất kể từ những năm 1.700. Trong khi tất cả các chỉ dấu dường như đều cho thấy kinh tế đang phục hồi theo hình chữ V, song tạp chí The Economist cho rằng kịch bản kinh tế thế giới trở lại trạng thái bình thường sẽ không thể xảy ra trong tương lai gần. Nguyên nhân dẫn đến nhận định này là dịch bệnh vẫn chưa biến mất, và các Chính phủ vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Những biện pháp này làm giảm sản lượng kinh tế khi chỉ cho phép số lượng khách ít hơn trong các nhà hàng, cấm khán giả đến xem các sự kiện thể thao… Người dân vẫn lo lắng về nguy cơ mắc bệnh. Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cảm thấy không chắc chắn về triển vọng kinh tế. Nhiều khả năng đây là nguyên nhân khiến các công ty không muốn đầu tư, đồng nghĩa với việc trong tương lai có ít vốn sản xuất hơn. |