BP - Làm việc với đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa qua,ỡkhoacutetrongthungacircnsaacutechTừhoạtđộngxuấtnhậpkhẩkeo. đại diện Cục Hải quan Bình Phước cho biết, năm 2017, dự kiến thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) khoảng 570 tỷ đồng, đạt 135% so với dự toán và tăng 28% so cùng kỳ. Ngành cũng dự toán thu trong năm 2018 tăng khoảng 6% (trên 600 tỷ đồng). Nhưng để hoàn thành chỉ tiêu này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng hải quan, rất cần sự chung tay tích cực của các cấp, ngành.
Nhiều khó khăn
Tính đến ngày 31-10-2017, tổng thu ngân sách nhà nước của ngành hải quan là 474,13 tỷ đồng, đạt 130% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, đạt 110% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao và đạt 80% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao. Nguồn thu chủ yếu từ các mặt hàng: máy móc thiết bị; nguyên liệu, hóa chất sản xuất gỗ; nguyên liệu, hóa chất sản xuất ngành dệt nhuộm; sắt, thép và các sản phẩm bằng thép; gỗ đã qua xử lý; đá granite... Từ kết quả đạt được và qua nắm bắt tình hình thực tế, đại diện ngành hải quan cho rằng, muốn hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2017 và dự toán năm 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi trong năm 2017, toàn tỉnh phát sinh 3 doanh nghiệp (DN) mới đăng ký danh mục miễn thuế với số thuế khoảng 80 tỷ đồng và đã nhập khẩu gần hết dây chuyền sản xuất (70 tỷ đồng). Do đó, số thu từ nguồn nhập khẩu máy móc thiết bị của các DN này trong năm 2018 giảm khoảng 70 tỷ đồng. Ngành cũng đã trao đổi với một số DN có số thu lớn trong 10 tháng năm 2017, như: Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Công ty TNHH MTV C&T Vina, Công ty TNHH Tony Nguyễn, Công ty TNHH Long Fa (Việt Nam)... Đồng thời thành lập tổ đến các khu công nghiệp tìm hiểu những DN mới đầu tư chuẩn bị mua sắm máy móc, thiết bị để tư vấn làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, dự kiến số thu từ các DN này không nhiều do phần lớn các dự án nhỏ lẻ và sản xuất theo hình thức gia công xuất khẩu, được miễn thuế.
Cầu Sông Măng được xây mới đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Hoàng Diệu (Bù Đốp)
Thêm vào đó, trước thời điểm Công văn số 1483/UBND-TH, ngày 12-5-2017 của UBND tỉnh ban hành, số thuế thu được trong năm 2017 đối với số gỗ tạp tận thu dùng làm nọc tiêu nhập khẩu từ Campuchia là 0,41 tỷ đồng. Từ khi Công văn số 1483/UBND-TH có hiệu lực thì thuế thu được từ hoạt động XNK của cư dân và thương nhân tại lối mở Lộc Tấn giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu. Còn theo Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg, ngày 12-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, trong đó hàng hóa phải kiểm dịch động vật theo danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Do đó, số thu từ mặt hàng thuộc danh mục này của ngành giảm trung bình 4-5 tỷ đồng/tháng.
Ngoài ra, Hiệp hội đá granite Campuchia đang kiến nghị Chính phủ nước này có chính sách siết chặt hơn về sản xuất và lưu thông đá granite tại các mỏ đang khai thác dẫn đến nguồn nhập khẩu về Việt Nam giảm. Tình trạng nợ thuế quá hạn vẫn còn xảy ra do các DN đã giải thể, phá sản bỏ trốn... không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, trong khi thu hồi nợ lại phát sinh thêm khoản phạt chậm nộp.
Rất cần sự chung tay
Tại các tỉnh giáp biên của nước bạn Campuchia, mặt hàng xuất khẩu vào Việt Nam chủ yếu là gỗ. Và qua tìm hiểu được biết nguồn cung cấp ở các tỉnh của Campuchia còn tương đối dồi dào. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, tỉnh cần tạo điều kiện cho cư dân và thương nhân được phép nhập khẩu gỗ tạp tận thu dùng làm nọc tiêu và gỗ rừng trồng, như cao su, giá tỵ... theo đúng nội dung cho phép tại Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg, ngày 20-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới; Thông tư số 34/2016/TT-BCT, ngày 28-12-2016 của Bộ Công Thương quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân; Thông tư số 54/2015/TT-BCT, ngày 30-12-2015 của Bộ Công Thương quy định danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.
Hiện Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha đã nhập xong máy móc thiết bị phục vụ sản xuất sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu của ngành hải quan trong năm 2018 (ảnh một góc Nhà máy chế biến gỗ MDF VRG Dongwha)
Song song đó, UBND tỉnh tạo điều kiện mở rộng mặt hàng được XNK qua cửa khẩu phụ theo hướng cho phép thương nhân được XNK hàng hóa thuộc danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 54/2015/TT-BCT, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, phát triển kinh tế mậu biên. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi quy định theo hướng “không yêu cầu phải có giấy phép kiểm dịch của nước xuất khẩu khi cấp phép kiểm dịch tại Việt Nam” do thương nhân và DN ở khu vực biên giới của nước bạn rất khó tiếp cận loại giấy phép này. Đồng thời trao đổi với lãnh đạo tỉnh Tbong Khmum tháo gỡ khó khăn trong việc cấm xuất khẩu mủ cao su sang Việt Nam, bởi mặt hàng này thuộc danh sách mặt hàng được trao đổi, mua bán của cư dân biên giới.
Để kiểm tra, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của DN phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế trước khi cho phép DN giải thể, phá sản hoặc đóng mã số thuế, ngành hải quan mong các sở, ngành chức năng tăng cường trao đổi với các đơn vị quản lý thu. Cụ thể: Cục Thuế, Cục Hải quan, cơ quan bảo hiểm chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp trong việc phản hồi văn bản xác minh nợ thuế và cưỡng chế thu hồi nợ thuế phát sinh tại đơn vị, bảo đảm thu hồi nợ thuế kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Hiện cây cầu gỗ bắc qua sông Măng ở Cửa khẩu phụ Tân Tiến (Bù Đốp) không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa; tuyến đường từ Khu di tích quốc gia đặc biệt Tà Thiết đến trạm gác Chi cục Hải quan cửa khẩu Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh đã xuống cấp... Do đó, ngoài hoàn thiện và đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông các khu công nghiệp và cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh, ngành hải quan mong tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng cầu, đường vào các cửa khẩu để hỗ trợ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, an toàn. Trước mắt, nâng cấp tải trọng hoặc xây dựng cầu mới với tải trọng lớn gần lối mở Lộc Tấn, tạo thuận lợi cho phương tiện vận tải vận chuyển, lưu thông hàng hóa tốt hơn, thúc đẩy thương mại khu vực biên giới.
L.P