【vdqg na uy】Máy cho tôm ăn xuất ngoại

Báo Cà Mau(CMO) Khởi nghiệp từ năm 2013 với sáng kiến máy cho tôm ăn tự động, đến nay chàng trai 9X Nguyễn Hải Đăng (thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi) đã thành lập được công ty riêng. Máy cho tôm ăn tự động ngày càng được cải tiến, không chỉ có mặt khắp cả nước, mà đã vươn ra các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Tây Ban Nha…

Anh Nguyễn Hải Đăng giới thiệu cách sử dụng máy cho tôm ăn tự động với khách hàng trong và ngoài nước. 

Mong nhà nông bớt vất vả

Để có được kết quả tốt đẹp ấy là hành trình dài trải nghiệm thực tế bên những đầm tôm và quyết tâm chinh phục công nghệ, mong muốn mang đến nhiều tiện lợi cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Hải Đăng chia sẻ về cái duyên trở thành kỹ sư tay ngang rằng, năm 2008, Đăng thi đậu ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Văn Lang TP Hồ Chí Minh và theo học được 2 năm. Sau đó Đăng quyết định rời giảng đường đi chu du khắp nơi để thoả sức khám phá, tìm hiểu nhiều hơn về thế giới xung quanh.

Hải Đăng cùng một vài người bạn đi khắp 50 tỉnh, từ TP Hồ Chí Minh ra tận Lũng Cú, Hà Giang. Mỗi nơi đi qua, nhóm Đăng tìm việc làm thêm nhiều nghề, Đăng bắt đầu suy nghĩ về chuyện khởi nghiệp. Nhờ khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt, Đăng bạo gan đi sang Pháp và Đài Loan. Đăng kể, ở Pháp, người làm nông nghiệp rất ít, nhưng nông dân hầu hết rất giàu, lại không hề vất vả, họ đều sử dụng máy móc tự động trong sản xuất. Sang đến Đài Loan, Đăng hiếu kỳ với hệ thống nuôi cá tự động của nông dân nơi đây...

Về quê Đầm Dơi cùng gia đình kinh doanh vật tư nuôi trồng thuỷ sản, có cơ hội tiếp xúc với bà con nuôi tôm, Đăng cảm thấy thích thú, cất công tìm hiểu quy trình, cách thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, có khi còn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ. Thấy rằng khi cho tôm ăn các công đoạn phải làm thủ công, nhiều ao tôm rộng, nông dân bơi xuồng quanh ao tôm, dùng tay quăng thức ăn rất vất vả, tốn nhiều chi phí mà hiệu quả không cao. Từ đó, Đăng nảy sinh ý tưởng chế tạo chiếc máy cho tôm ăn tự động, giúp nông dân nhàn nhã hơn.

Sau nhiều lần thất bại, Đăng vẫn quyết chí làm cho bằng được. Năm 2014, Đăng cho ra đời chiếc máy cho tôm ăn tự động được thiết kế với trọng lượng khoảng 15 kg, sức chứa từ 20-25 kg cám, thanh quăng thức ăn xa từ 10-30 m tuỳ loại. Chỉ cần đổ thức ăn vào bồn, bấm điều khiển từ xa, thức ăn từ bồn đặt phía trên dẫn đến hệ thống ống ly tâm bắn ra ngoài bằng mô-tơ đặt phía dưới (có thể điều chỉnh thức ăn xa hoặc gần). Bà con có thể cho tôm ăn liên tục trong ngày thông qua chế độ hẹn giờ. Tôm lớn nhanh hơn vì ăn điều độ và môi trường nước tốt do không có thức ăn thừa văng ra ngoài.

Vận hành máy cho tôm ăn tự động tại đầm tôm.

Nông dân Bảy Đẳng ở xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Qua rồi cái thời bơi xuồng cho tôm ăn, nhờ cái máy cho ăn này mà bà con đỡ vất vả. Máy gọn nhẹ, dễ thao tác, cho tôm ăn đều, tôm rất nhanh lớn mà giá cả lại vừa túi tiền. Trong quá trình xài có trục trặc gì đều có bộ phận kỹ thuật đến bảo hành hoặc hướng dẫn tận tình, gia đình tôi rất yên tâm”.

Thành công từ máy cho tôm ăn tự động, năm 2016, Nguyễn Hải Đăng là thanh niên của tỉnh Cà Mau vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ...

Với lợi thế xưởng sản xuất mở rộng, máy móc, thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ kỹ thuật năng động, nên việc sản xuất máy cho tôm ăn tự động ngày càng chất lượng.

Năng động mở rộng thị trường

Chiếm ưu thế ở vòng thi cấp tỉnh, cấp khu vực, năm 2021, máy cho tôm ăn tự động của Hải Đăng trở thành 1 trong 7 sản phẩm của tỉnh được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Hải Đăng chia sẻ: “Được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia là động lực để công ty nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Công ty TNHH MTV Farmx.vn thành lập được 2 năm tại Khóm 2, thị trấn Đầm Dơi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhà xưởng đảm bảo để Đăng thoả sức chinh phục công nghệ mới. Công ty giải quyết việc làm khoảng 50 lao động địa phương, thu nhập bình quân hàng tháng 7 triệu đồng.

Bình quân mỗi năm công ty bán ra khoảng 5.000 máy cho tôm ăn tự động.

Trong quá trình sản xuất, Hải Đăng và các cộng sự luôn lắng nghe ý kiến phản hồi của người tiêu dùng để điều chỉnh, hoàn thiện cho ra đời dòng máy với sự cải tiến vượt trội. Máy gọn nhẹ, đẹp mắt, công suất nhỏ, ít tiêu hao điện năng, chất liệu tăng độ bền; không rớt thức ăn tại chân máy, cho tôm ăn qua bộ điều khiển điện tử, có thể điều chỉnh thức ăn gần xa. Một điều quan trọng nữa là giá cả cạnh tranh hơn nhiều so với hàng ngoại nhập, cách sử dụng đơn giản, phù hợp với nhà nông.

Hải Đăng và các cộng sự tận dụng mọi lợi thế của công nghệ, sự tiện lợi của Internet và mạng xã hội để bán hàng. Đăng đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào “chợ Online” với trang website Farmx.vn. Tất cả các thông số kỹ thuật, công dụng, cách dùng và giá cả của các thiết bị nông nghiệp đều được up công khai trên website. Bằng uy tín, chất lượng, Đăng xây dựng Farmx.vn trở thành nơi tin cậy để mua và bán các thiết bị liên quan đến nông nghiệp và thuỷ sản trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Đăng còn thành lập mô hình Aquasmart, với mục đích cung cấp đến khách hàng các vấn đề thường gặp trong nuôi tôm, những giải pháp hiệu quả cho ngành nuôi trồng thuỷ sản…

Bình quân mỗi năm, công ty bán ra khoảng 5.000 máy cho tôm ăn tự động. Không chỉ có mặt khắp cả nước, máy cho tôm ăn tự động còn được khách nước ngoài ưa chuộng. Ngoài máy cho tôm ăn tự động, hiện chàng giám đốc trẻ Hải Đăng còn thành công với máy trộn thức ăn, máy bơm cấp nước, phễu xi-phông… “Mong muốn của tôi là làm nhiều thứ hơn về nông nghiệp hiện đại chứ không phải dừng lại ở chiếc máy cho tôm ăn”, Hải Đăng tâm huyết./.

 

Mộng Thường