游客发表
发帖时间:2025-01-11 05:14:21
Giá chạm đáy
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Niên vụ 2017 – 2018, các nhà máy đã thu mua, đưa vào ép hơn 15,4 triệu tấn mía, tăng 16,8 % so với vụ trước. Tổng lượng đường tiêu thụ trong niên vụ là trên 1,4 triệu tấn, tăng 385.663 tấn. Tính đến ngày 15/8, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 622.040 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 67.584 tấn.
Đáng chú ý, giá đường vụ 2017 – 2018 có biến động phức tạp. Hiện nay, giá đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây, có thể nói là chạm đáy. Cụ thể, giá đường liên tục giảm từ đầu vụ (đầu vụ giá bán đường trắng loại I đã có thuế GTGT tại kho nhà máy dao động từ 13.500 – 14.500 đ/kg, giữa vụ 12.000 – 12.500đ/kg và cuối vụ 10.500– 11.500 đ/kg). So với niên vụ trước, giá đường giảm bình quân 3.000 – 5.000 đ/kg. Đây là mức giảm rất lớn, dẫn đến nhiều khó khăn cho DN. Về các nhà máy đường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ: Vụ sản xuất 2017-2018, cả nước chỉ có 37/41 nhà máy đường hoạt động. 4 nhà máy gồm: Hiệp Hòa, Kiên Giang, Cà Mau và NIVL tạm ngừng hoạt động. Lý do chủ yếu khiến các nhà máy tạm ngừng hoạt động là do thua lỗ, nợ kéo dài.
Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay: Giá đường xuống thấp đến mức chạm đáy như trên, nguyên nhân khách quan xuất phát từ nguồn cung đường thế giới tăng nhanh hơn so với cầu, giá đường thế giới giảm mạnh (giá đường trắng tháng 10/2017 giao kỳ hạn tháng 11/2017 là 394,8 USD/tấn; trong khi đó, giá đường trắng tháng 8/2018 giao kỳ hạn tháng 10/2018 chỉ còn 306 USD/tấn). Ngoài ra, vấn đề quản lý buôn lậu đường chưa thật sự hiệu quả. Đường nhập lậu khó kiểm soát, có giá rẻ trong khi giá đường trong nước thiếu cạnh tranh.
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Xuân Trung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá: "Trong năm 2018, giá đường thế giới xuống quá thấp, ảnh hưởng lớn đến giá đường trong nước. Bên cạnh đó, vấn đề chống buôn lậu đường chưa đạt được yêu cầu, gây ảnh hưởng lớn. Giá đường trong nước gần bằng giá đường buôn lậu".
Về những bất cập, tồn tại của ngành mía đường, Cục Trồng trọt thông tin thêm: Hiện nay, việc chủ động cơ cấu lại các nhà máy đường còn chậm. Các nhà máy đường có quy mô nhỏ cần có kế hoạch hợp lý để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mới có thể đứng vững trước sức ép hội nhập. Ngoài ra, hiện các chính sách của nhà nước trong việc khuyến khích đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất mía, đường, tận dụng phế, phụ phẩm chưa thực sự hữu hiệu do hạn chế về nguồn lực...
Mấu chốt là sự cố gắng của DN
Trên thực tế, trước những khó khăn của ngành mía đường, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương về thời hạn thực hiện Hiệp định ATIGA. Theo đó, Chính phủ đồng ý tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường đến hết năm 2019. Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định ATIGA sẽ bắt đầu từ năm 2020. Trước đó, theo cam kết của Hiệp định ATIGA, thuế quan cho mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ từ mức 5% giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018.
Ông Lê Xuân Trung đánh giá: Việc giãn áp dụng Hiệp định ATIGA trong năm 2018 và 2019 là cách hỗ trợ cho ngành mía đường trong thời gian chuyển đổi trong quá trình hội nhập. Hết năm 2019, ngành mía đường có thoát khó được hay không, quan trọng nhất phụ thuộc vào sự cố gắng của các DN. Hiện tại, có những DN vượt qua được khó khăn nhưng nhiều DN, đặc biệt là người nông dân rất khó vượt qua. "Với nước ngoài, khi bỏ hạn ngạch thuế quan, họ vẫn điều tiết được giá đường trong nước, còn Việt Nam lại hoàn toàn phụ thuộc vào giá đường thế giới và đường nhập lậu. Giá đường thế giới và giá đường nhập lậu xuống là đường trong nước xuống. Cần làm tốt hơn nữa vấn đề kiểm soát đường nhập lậu", ông Trung nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Cần Thơ nhấn mạnh: Khó khăn lớn nhất mà ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt là đường lậu. Các nhà máy đường rất cần Chính phủ hỗ trợ một số chính sách ngang bằng với các nước sản xuất đường trong khu vực. Cụ thể như, Chính phủ cần sớm áp dụng thuế đặc biệt đối với mặt hàng đường lỏng (HFCS); xem xét điều chỉnh giá điện sử dụng bã mía làm nguyên liệu bằng giá điện sinh khối theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. "Bên cạnh đó, các bộ ngành có liên quan cần đẩy mạnh phối hợp với cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống buôn lậu mặt hàng đường”, ông Vinh nói.
Ngoài các vấn đề trên, trong thời gian tới, Cục Trồng trọt xác định, nâng cao năng lực chế biến cũng như tổ chức tốt hệ thống tiêu thụ nội địa và XK là một số giải pháp cơ bản thúc đẩy ngành mía đường phát triển, nâng cao sức cạnh tranh. Cụ thể, giải pháp đề ra là cơ cấu lại sản phẩm chế biến theo chuẩn quốc tế (đường thô và đường luyện); khuyến khích liên kết các nhà máy đường để hình thành hệ thống các nhà máy cung cấp đường thô và các nhà máy chế biến đường tinh luyện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy; hỗ trợ các DN đầu tư đa dạng hóa sản phẩm mía đường... Với tổ chức hệ thống tiêu thụ nội địa và XK: Từng bước thực hiện việc xác định chữ đường mía nguyên liệu cho người sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, khách quan; tạo điều kiện liên kết, chia sẻ lợi ích giữa sản xuất và lưu thông, phân phối, tiêu dùng nhằm giảm chi phí trung gian, giảm giá thành sản phẩm; xây dựng hệ thống dữ liệu, cập nhật thông tin thị trường đường thế giới để chủ động tham gia vào các giao dịch khi có đủ điều kiện...
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接