Bắt giữ hơn 10.000 bao thuốc lá trên chuyến bay từ Dubai về Nội Bài | |
Bổ sung quy định chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập về cảng cạn Long Biên | |
Bổ sung hướng dẫn khai báo thông tin trước khi hàng đến cửa khẩu |
Lô hàng hơn 8.000 đèn sưởi có dấu hiệu giả mạo thương hiệu HITACHI được vận chuyển từ cửa khẩu Lạng Sơn về ICD Mỹ Đình (Hà Nội), được Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan Hà Nội phối hợp phát hiện, bắt giữ tháng 1/2021. Ảnh: T.Bình |
Đánh giá chung về tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong quý 1/2021, Tổng cục Hải quan nhận định, hoạt động này có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính chất vụ việc phức tạp, số lượng hàng hóa vi phạm bị thu giữ nhiều hơn.
Đáng chú ý, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi hơn với xu hướng chuyển từ các cục hải quan có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn sang các cục hải quan có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ít hơn để tránh sự kiểm soát chặt chẽ từ lực lượng kiểm soát hải quan. Những vụ việc bị phát hiện đa số do các đối tượng thành lập công ty ma, không hoạt động kinh doanh tại nơi đăng ký và lợi dụng vào hệ thống rủi ro phân luồng (xanh, vàng) để buôn lậu. Mặt hàng vi phạm chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: ma túy, vũ khí, các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES (như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê), điện thoại, thuốc lá ngoại, rượu ngoại...
Đặc biệt, theo một số nguồn tin, sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản 119/TCHQ-GSQ chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan, nhất là thực hiện khai báo thông tin trước khi hàng hóa đến cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa; tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng bách hóa, hàng tiêu dùng nhập khẩu… có dấu hiệu doanh nghiệp trước đây mở tờ khai nhập khẩu theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng (mã loại hình A11, A12) tại đơn vị hải quan cửa khẩu nay chuyển sang mở tờ khai ở đơn vị hải quan trong nội địa.
“Dù hàng hóa tiêu dùng có trị giá cao nhưng có dấu hiệu khai báo sai tên hàng sang hàng bách hóa trị giá thấp hòng trốn thuế, hoặc quá trình vận chuyển từ cửa khẩu về nội địa sẽ tìm cách rút ruột hàng hóa”- nguồn tin cho hay. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm.
Theo Tổng cục Hải quan, với quyết tâm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại nhằm góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quý 1, Tổng cục đã ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo hướng dẫn thực hiện kiểm soát hải quan trong toàn Ngành.
Đó là, cảnh báo về thủ đoạn cất giấu ma túy; cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới; ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, pháo nổ qua biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc… Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm thông tin về tình hình vi phạm, thường xuyên trinh sát, phối hợp chặt chẽ, tham gia với các ngành, các cấp trong tuần tra, kiểm soát trên địa bàn hoạt động.
Trong quý 1 (kỳ báo cáo 15/12/2020 đến 15/3/2021), toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 3.242 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 979 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 52,56 tỷ đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 5 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 23 vụ, theo thông tin Tổng cục Hải quan công bố chiều 29/3. Một số vụ việc điển hình như: ngày 27 và 28/1, tại Địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung ICD Mỹ Đình thuộc Công ty CP Interserco Mỹ Đình, Cục Hải quan Hà Nội và Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc phát hiện 1 doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. Hàng hóa vi phạm gồm: 800 đèn sưởi ấm nhãn hiệu NOVA; 8.445 đèn sưởi ấm, nhãn hiệu HITACHI. Vụ việc đang được Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) và các đơn vị liên quan xác minh, xử lý theo quy định. Ngày 30/1, tại kho hàng TCS (quận Tân Bình, TP HCM), Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP HCM) chủ trì, phối hợp với Đội 6 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phát hiện 3 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Tang vật thu giữ khoảng 9 kg nghi ma túy tổng hợp và 10 túi nghi cần sa. Ngày 1/2, tại Kho Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài, Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) phát hiện, thu giữ hơn 1.000 điện thoại di động đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu. Ngày 10-11/3, tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Cục Hải quan Đà Nẵng) phối hợp với Hải đội 2 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) và Công an Đà Nẵng điều tra phát hiện lô hàng có dấu hiệu vị phạm gồm: container hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm may mặc, chăn và chăn du lịch đã qua sử dụng, chất tẩy rửa bằng nước Ariel Bio Science (dạng lỏng); 3 container hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị dùng cho nhà bếp, đồ điện gia dụng; đồng hồ các loại; thực phẩm, rượu đóng chai; sản phẩm may mặc đã qua sử dụng… (Nguồn: Tổng cục Hải quan) |