Dáng thơ. Ảnh: Văn Đình Huy
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có trang phục truyền thống của riêng mình,Áolụatrăngmềmbayxuốngthơosasuna vs barcelona bỏ qua tính thực dụng của đời sống, trang phục còn là tác phẩm thẩm mỹ ẩn chứa tinh hoa văn hóa độc đáo của mỗi đất nước. Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dù qua bao thăng trầm, người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có áo dài. Áo dài theo nghĩa này, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của dân tộc.
Ở Việt Nam, áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi, cho mọi giới, trải dài hàng trăm năm với nhiều biến thể khác nhau, song dẫu có cải biên thế nào đi nữa, áo dài vẫn luôn mang trong mình sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại. Từ lúc nào đó, áo dài ngự trị trong mắt người Việt, trong tâm hồn người Việt, và an nhiên đi vào thi ca như những bài ca đầy tự hào và hạnh phúc.
Từ hơn tám mươi năm trước, áo dài đã bay phất phơ trong những trang thơ, gần như trong tất cả không gian và thời gian, tầng nấc xúc cảm thi ca của các nhà thơ đều thấp thoáng tà áo dài tha thướt.
“Sáng nay áo trắng tựu trường/ Gót chân cuống quýt cả hương cúc vàng” (Ánh mắt tựu trường - Đoàn Vị Thượng)
Hay, trong số những câu lục bát trữ tình của Nguyễn Bính, áo dài như vương vấn cả khung trời:
“Hồn anh như bông cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em” (Bông cỏ may)
Rồi bay lên thành biểu tượng trong thơ Nguyễn Tất Nhiên: “Tháng giêng em áo dài trang nhã/
Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam/ Đài các chân ngà ai bước khẽ/ Quyện theo tà lụa cả phương Đông”
Giữa đất trời Việt Nam, tà áo dài dù trắng hay xanh hay tím thì cũng như làn gió nhẹ lay động khắp chốn. Trong thơ Phạm Thiên Thư, tà áo tím vừa ngập ngừng e ấp, vừa nao nức gọi mời:
“Áo em vạt tím ngàn sim/ Nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ
Trong thơ Bùi Giáng, màu áo dài xanh của ký ức được nâng lên thành huyền thoại:
“Biển dâu sực tỉnh giang hà/ Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh” (Áo xanh)
Hay áo xanh mộng thời quên lãng trong thơ Đinh Hùng: “Trong vườn quên lãng áo ai xanh”
Huế từ lâu nổi tiếng là xứ sở của áo dài. Áo dài trên phố, trong các khuôn viên trường học đầy hoa phượng, trên những ngõ xóm rêu phong, trong các phiên chợ, hàng quán… Áo dài Huế cùng với nón bài thơ in trên nền trời, in dấu trên cầu Trường Tiền, trên thành quách cổ kính rêu phong…, từ lâu đã là một vẻ đẹp của riêng Huế, là cảm hứng thi ca của bao thời đại…
Huế cũng là vùng đất mà ở đó, sương khói miền Hương Ngự đạt đến độ đỉnh cao siêu thực của đất trời; thì hình ảnh áo dài trong thi ca Huế, vì vậy, vừa lãng mạn như nhiên, vừa siêu thực lạ lùng.
Siêu thực áo dài Huế, câu thơ của Hàn Mặc Tử đã chạm vào cõi huyền ảo:
“Mơ khách đường xa khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”
Đầu thế kỷ XX, đặc biệt khi thành lập Trường Nữ sinh Trung học Đồng Khánh (1917), nữ sinh Trung kỳ đều dồn về Huế học, áo dài trở thành đồng phục. Các nữ sinh đều mặc áo dài trắng, tím hay xanh đến trường tùy đồng phục mỗi trường. Áo dài bay trong gió dọc bờ sông Hương những buổi tan trường trở thành một biểu tượng Huế rất đẹp của một thời.
“Áo nàng như nước sông Hương / Thơm sen hồ Tịnh mát đường Kim Long” (Tà áo em – Nguyệt Đình)
Có một điều rất đặc biệt là những câu thơ về áo dài Huế đương thời đã hay, mà hình ảnh áo dài đằm rất sâu trong miền ký ức bồi hồi, lại càng hay, càng gợi một điều gì rất đẹp của một thời quá vãng:
“Gởi em một nét sông mềm/ Con đò áo trắng đã chìm trong mưa” (Gửi cho người – Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Rất nhiều nữa, hình ảnh áo dài Huế qua cầu Trường Tiền vắt ngang sông Hương đã in dấu vào thơ. Nhưng phải đến trong thi phẩm “Tạm biệt Huế” của Thu Bồn, nỗi da diết áo dài mới như lay động cả tâm can. Ở đó, cầu Trường Tiền vắt qua sông Hương êm ả vào giữa một ngày nắng đẹp đã vọng vang một thứ âm vang dịu vợi, đó là âm vang trong tâm tưởng, từ cõi xa xăm...
“Áo trắng hỡi thuở tìm em chẳng thấy / Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền/ Nón rất Huế nhưng đời không phải thế / Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng ”
Có nhiều bài thơ hay về Huế, trong đó có hai bài được nhiều người nhắc đến, là “Ở đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử, và “Tạm biệt Huế” của Thu Bồn, thì lạ thay, cả hai đều mang hình ảnh áo dài xứ Huế…
*Áo dài, như nhà nghiên cứu Bửu Ý nói, nó không chỉ có chiều dài, chiều rộng, mà còn có cả chiều dày văn hóa của nó. Áo dài Việt Nam dù có biến tấu qua thời gian ra sao đi nữa, thì nó luôn gắn liền với thăng trầm lịch sử và luôn là thi ảnh của bao trào lưu thi ca. Như một câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa:
“Guốc cao, gót nhỏ, mây vào gót/ Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ”…
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC