Các tỉnh như Tiền Giang,ĐồngbằngsngCửkeo nha csi Hậu Giang, Kiên Giang... đang vào mùa thu hoạch khóm, tuy nhiên giá khóm hiện nay sụt giảm làm cho nông dân lo âu bởi không đạt lợi nhuận như mong muốn và gặp khó trong việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2018 sắp tới...
Thu hoạch khóm ở Hậu Giang.
Huyện Tân Phước (Tiền Giang) là nơi có vùng chuyên canh khóm lớn nhất ĐBSCL, với khoảng gần 16.000ha, sản lượng từ 260.000-300.000 tấn mỗi năm, phục vụ tiêu thụ nội địa và chế biến, xuất khẩu. Nếu như thời điểm này những năm trước khóm được giá nên nhà nào cũng vui, bởi có nguồn thu nhập khá để mua sắm tết. Hiện nay, giá khóm sụt giảm khiến ai nấy đều lo. Ông Đặng Văn Hòa, canh tác 20ha khóm ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước, thở dài: “Gần đây giá khóm tệ quá, thương lái mua khóm chín loại 1 (trọng lượng từ 1-2kg/trái) chỉ còn 4.000-4.500 đồng/trái, khóm loại 2 (từ 0,8-1kg/trái) có 2.000- 2.500 đồng/trái, khóm loại 3 (dưới 0,8kg/trái) giá 1.500 đồng/trái… giảm rất mạnh so với thời điểm cuối quý II-2017. Với giá này, hầu như người trồng khóm không có lãi. Hộ nào canh tác diện tích lớn, áp dụng cơ giới hóa, giảm chi phí giá thành… thì hy vọng hòa vốn hoặc lãi chút ít; riêng những hộ sản xuất nhỏ lẻ, thuê lao động tay chân thì khả năng thua lỗ rất lớn”.
Tại các huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng (Kiên Giang), nông dân trồng khóm cũng kêu than vì giá thấp. Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, cho hay: “Năm nào cũng vậy, nông dân tụi tui hy vọng khóm được mùa, được giá để có tiền mua sắm, chi tiêu dịp tết. Thế nhưng, năm nay giá khóm thấp khiến nguồn thu không bao nhiêu, tình hình này coi như không có lãi”. Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận, cho biết trước đây toàn huyện có hơn 5.000ha khóm, nhưng thời gian qua giá khóm lên xuống thất thường không ổn định, các rẫy khóm lại không có doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu nên việc sản xuất dễ gặp rủi ro. Chính từ những hạn chế trên mà gần đây nông dân ào ạt bỏ khóm để trồng cây khác hoặc nuôi tôm… Hiện toàn huyện chỉ còn khoảng 1.500ha khóm, dự kiến diện tích còn giảm nếu giá khóm tới đây không cải thiện.
Ở Hậu Giang, khóm Cầu Đúc là thương hiệu nổi tiếng, thế nhưng mấy ngày qua nông dân trồng khóm ở đây cũng chịu chung cảnh ngộ. Bà Trần Thị Vân, canh tác 8 công khóm ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, rầu lo: “Mới hồi tháng 6, tháng 7-2017, khóm loại 1 có giá tới 8.000 đồng/trái, vậy mà giờ đây giảm quá chừng. Với giá khóm hiện tại, hầu như nông dân không có lãi. Dù giá thấp nhưng đợt này tôi cũng phải thu hoạch hơn 1 tấn khóm, bởi khóm đã chín trên đồng nên không thể neo mãi được”. Theo UBND xã Hỏa Tiến, toàn xã có hơn 1.000ha khóm Cầu Đúc, chiếm hơn 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã; đồng thời là xã có cánh đồng khóm lớn nhất ở Hậu Giang. Từ nhiều năm qua, khóm Cầu Đúc đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân Hỏa Tiến, vì vậy khi giá khóm sụt giảm đã khiến đời sống bà con bị ảnh hưởng.
Nói về nguyên nhân khóm giảm giá, ông Nguyễn Văn Lâm, thương lái thu mua khóm ở Hậu Giang cho rằng, thời điểm này đang vào mùa thuận nên khóm ở Hậu Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL tới đợt thu hoạch khá nhiều. Sản lượng khóm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng đột biến, chưa kể tình hình xuất khẩu không cao… từ đó dẫn tới giá khóm giảm giá. “Nếu như trước đây khóm được giá từ 6.000-8.000 đồng/trái trở lên, giúp nông dân thu lãi khoảng 30-50 triệu đồng/ha/năm. Nay khóm sụt giảm nên lợi nhuận teo tóp lại, riêng những hộ canh tác kém hiệu quả, chi phí cao thì chịu lỗ”, ông Nguyễn Văn Lâm nhận xét.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 1.800ha khóm, tập trung nhiều nhất ở xã Hỏa Tiến. Thời gian qua, giá khóm thường tăng cao vào mùa nghịch và sụt giảm vào mùa thuận như lúc này; vì thế tỉnh khuyến cáo người dân áp dụng kỹ thuật cho khóm rải vụ nhằm tránh thu hoạch đồng loạt vào mùa thuận để hạn chế tình trạng rớt giá. Bên cạnh đó, tỉnh cũng vận động nông dân trồng khóm vào tổ hợp tác, hợp tác xã để thuận lợi trong quy hoạch vùng khóm tập trung, dễ dàng đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ… Qua đó, đã có HTX Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến) ra đời với 75 thành viên, diện tích canh tác khóm 160ha, sản lượng khóm cung ứng cho thị trường hàng năm khoảng 3.000 tấn. Sản xuất theo hướng liên kết sẽ là hướng đi tất yếu trong thời gian tới…”.
Theo UBND xã Hỏa Tiến, dù khóm đang giảm giá, nhưng người dân địa phương vẫn tiếp tục phát triển cây khóm, bởi ở vùng đất nhiễm phèn nặng này cây khóm được xác định là hiệu quả cao nhất. Tới đây, cùng với việc tính toán rải vụ hợp lý thì ngành chức năng tăng cường phát triển du lịch, tham quan cánh đồng khóm Cầu Đúc; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ khóm... nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Bài, ảnh: HƯNG TÂN