Từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh,ởisắcvngđồngbodntộcthiểusốsjk – kups cùng nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, nên đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Vị Thanh có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi rắn ri cá, nên góp phần đem lại thu nhập cao cho gia đình bà Thạch Thị Xà Vượl.
Nếu những năm trước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố còn có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, thì nay họ không chỉ chủ động mà còn tư duy hơn trong lao động, sản xuất. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo.
Đời sống nâng cao
Hộ bà Thạch Thị Xà Vượl, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, từng “không có cục đất chọi chim”, nên ít ai nghĩ gia đình bà sẽ thoát nghèo. Vậy mà cách đây vài tháng, bà cất được ngôi nhà hơn 500 triệu đồng. Bà Vượl kể, khoảng năm 2000, vợ chồng bà ra riêng và được cha mẹ cho khoảng 1.000m2 đất. Khi ấy, vừa thiếu vốn, vừa thiếu kiến thức trong phát triển sản xuất, nên cuộc sống khó khăn đủ bề.
Lộ nông thôn ở ấp 7, xã Vị Tân được đầu tư thông thoáng, giúp người dân đi lại dễ dàng.
Tuy nhiên, những năm sau đó, ngoài quyết tâm thoát nghèo, cố gắng học hỏi cách làm ăn hiệu quả, vợ chồng bà còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay 50 triệu đồng để mướn đất canh tác. Từ vài công ban đầu, đến nay, gia đình có hơn 20 công đất trồng khóm, cam, quýt và lúa. Chưa hết, cách đây vài năm, hộ bà còn đầu tư nuôi rắn ri cá bố mẹ để bán con giống mỗi năm hơn 1.000 con.
Theo bà Vượl, từ hơn 20 công đất canh tác và mô hình nuôi rắn ri cá, trừ chi phí, lời khoảng 130 triệu đồng/năm, nên cuộc sống dư dả. “Gia đình tôi có được như ngày hôm nay, cũng nhờ địa phương quan tâm, tạo điều kiện vay vốn và hỗ trợ kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi. Tới đây, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi rắn và đầu tư trồng cam, quýt cho năng suất cao”, bà Vượl cho biết.
Tương tự, hộ ông Thạch Khên, ở ấp 7, xã Vị Tân dần khá giả lên cũng từ sự nỗ lực của bản thân và giúp đỡ của chính quyền địa phương. Bởi hơn 10 năm trước, vợ chồng ông bị bệnh, nên cố 10 công đất của gia đình để có tiền điều trị. Ít đất sản xuất, lại thiếu vốn và kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, khiến cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Thời điểm này, khi Đảng ủy xã Vị Tân thành lập câu lạc bộ giảm nghèo ở ấp 7, ông mạnh dạn tham gia.
Với quyết tâm thoát nghèo, gia đình ông cải tạo 3.900m2 vườn tạp và chịu khó học hỏi, nắm bắt thông tin từ báo, đài, bạn bè; đồng thời, vay vốn của câu lạc bộ giảm nghèo ở ấp 7 để thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng. Cụ thể, trên bờ ông trồng bưởi và các loại hoa màu, kết hợp nuôi heo, vịt, dưới mương thì thả cá. Từ đó đến nay, mỗi năm, gia đình ông thu lời khoảng 60 triệu đồng. Hiện, ông đã chuộc lại 10 công đất; nhiều năm liền, được công nhận là hộ sản xuất giỏi của địa phương.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giúp nhiều hộ khác trên địa bàn trong việc trồng lúa, nuôi cá, cải tạo vườn tạp mang lại hiệu quả và từng bước vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khấm khá. Ngoài ra, ông cùng với đoàn thể ấp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
Thông tin từ UBND thành phố, 5 năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Trong đó, thường xuyên tổ chức đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu; tạo điều kiện để các hộ nghèo vay vốn, được hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở… nên góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo. Nếu năm 2019, thành phố có 188 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, thì đến nay, còn 110 hộ.
Ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho rằng: “Nhìn chung, 5 năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở quan tâm, triển khai, thực hiện có hiệu quả với nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, đem lại kết quả tích cực. Trong đó, triển khai, thực hiện tốt các chương trình, dự án về hỗ trợ vốn, nhà ở, đất ở, tư liệu sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nhờ vậy, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có điều kiện phát triển, giảm nghèo bền vững”.
Hạ tầng khởi sắc
Cùng với tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, thì việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Trung ương, tỉnh và thành phố quan tâm thực hiện, góp phần tạo diện mạo nông thôn thêm khởi sắc. Điển hình là tuyến lộ nông thôn đi qua địa bàn ấp 7, xã Vị Tân sau khi được đầu tư xây dựng mới, giúp người dân địa phương giao thương, đi lại dễ dàng. Bởi trước đây, tuyến lộ bê tông này, do nhiều năm không được duy tu, sửa chữa nên hư hỏng khá nặng, khiến cho việc lưu thông của bà con gặp không ít khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Vì thế, vào khoảng năm 2020, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, tuyến lộ nông thôn dài 3km qua địa bàn ấp 7 được đầu tư xây dựng mới thông thoáng, với mặt rộng 3,5m. “Từ khi tuyến lộ được xây dựng mới, không chỉ tạo điều kiện giúp mọi người đi lại dễ dàng mà việc mua bán nông sản của bà con địa phương cũng thuận lợi hơn. Ngày càng có nhiều gia đình mua xe mô tô để phục vụ việc đi lại hàng ngày”, bà Thị Sang, ở ấp 7, xã Vị Tân chia sẻ.
Qua ghi nhận của UBND thành phố, nhằm thúc đẩy giao thương thuận lợi, 5 năm qua, thành phố tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, trong đó thường xuyên duy tu, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng và xây mới được 36 tuyến đường, 24 cầu giúp hệ thống giao thông ngày càng thông suốt, gắn với việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng với tổng chiều dài 46,8km, kinh phí thực hiện 42 tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố còn phát huy, bảo tồn, lưu giữ các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho bà con, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Cụ thể, thành phố đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở thờ tự và trang bị cơ sở vật chất; xây dựng các câu lạc bộ văn nghệ nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để phục vụ nhân các ngày lễ, tết, trong đó có “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Hoa tổ chức các lễ, tết theo truyền thống của dân tộc; phong trào thể dục thể thao trong đồng bào dân tộc Khmer cũng được duy trì và phát triển; xây dựng tủ sách ở các điểm chùa Khmer giúp bà con tiếp cận tốt với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết thêm: “Tới đây, thành phố sẽ tăng cường đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; triển khai, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất để tăng thu nhập. Mặt khác, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số để áp dụng vào sản xuất”.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Vị Thanh thay đổi đáng kể. Đây là động lực, niềm tin để họ chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: NHẬT TÂN